Tiếng Việt | English

22/05/2018 - 10:58

Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, vỉa hè phải thực hiện thường xuyên, đồng bộ

Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), vỉa hè vẫn được các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện, bước đầu có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục để tránh tình trạng tái chiếm.

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm

Có những thời điểm, tình trạng lấn chiếm HLATĐB xảy ra rất nhiều, kể cả các tuyến đường tỉnh, quốc lộ dưới nhiều dạng vi phạm: lắp đặt biển quảng cáo, xây dựng, nhất là họp chợ tự phát,... Tình trạng lấn chiếm này làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, che khuất tầm nhìn của người đi đường dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, làm hư hỏng hệ thống đường giao thông,...

Nguyên nhân xảy ra tình trạng lấn chiếm HLATĐB, ngoài việc người dân chưa chấp hành, cố tình vi phạm thì công tác kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo. Ngoài ra, việc chấn chỉnh, xử lý hành vi lấn chiếm HLATĐB vẫn còn khó khăn vì có nơi chưa tiến hành điều chỉnh biến động đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được chỉnh lý dù đã thu hồi, đền bù cho người dân.

Gần đây, Đường tỉnh 835, đoạn gần trụ sở UBND xã Phước Lợi, huyện Bến Lức có nguy cơ bị tái chiếm vỉa hè. Ảnh: Lam Hồng

Gần đây, Đường tỉnh 835, đoạn gần trụ sở UBND xã Phước Lợi, huyện Bến Lức có nguy cơ bị tái chiếm vỉa hè. Ảnh: Lam Hồng

Từ thực trạng này, UBND tỉnh Long An ban hành một số văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chấn chỉnh, trong đó có Văn bản số 4026, ngày 05/10/2016 về việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, thời gian qua, chiến dịch lập lại trật tự HLATĐB được các ngành và chính quyền địa phương phối hợp thực hiện khá nghiêm túc, đồng bộ từ tuyên truyền đến kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo thống kê của thanh tra giao thông, trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, đã xử lý, giải tỏa vi phạm về HLATGT đường bộ, lấn chiếm lòng, lề đường, đấu nối trái phép hơn 720 trường hợp. Bên cạnh đó, ngành chức năng đã và đang tiến hành cắm mốc giới trên nhiều tuyến đường tỉnh.

Theo đánh giá của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, tình trạng lấn chiếm, tái chiếm HLATĐB giảm nhiều so với trước nhưng một số nơi vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm HLATĐB. Hiện nay, ở một số địa phương phát triển công nghiệp, còn nhiều chợ tự phát buôn bán tràn ra lòng, lề đường, gây mất trật tự giao thông. Trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Thủ Thừa, nhiều người thường dựng các sạp hàng di động, bày bán chim, vịt. Quốc lộ N2 từ huyện Bến Lức về Thạnh Hóa vẫn còn nhiều trường hợp dựng sạp bên lề đường, bày bán các mặt hàng nông sản. Ngày 10/5, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương, Cục Quản lý đường bộ IV, Chi cục Quản lý đường bộ IV.3, bàn về kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm lấn chiếm HLATĐB tại hai tuyến quốc lộ này.

“Việc lập lại trật tự HLATĐB phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ. Việc này không chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông mà cần có sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Song song đó, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý vi phạm để tránh tái chiếm. Ngoài ra, ngành chức năng tiến hành rà soát chợ tự phát, nơi nào cần thiết thì xem xét quy hoạch vị trí đất phù hợp gần đó để xây dựng chợ cho người dân vào buôn bán; những trường hợp đất đã thu hồi, đền bù, cần kịp thời chỉnh lý quyền sử dụng đất...” - Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải - Lê Văn Viên cho biết.

Đậu, đỗ xe chiếm hết vỉa hè đường Lê Cao Dõng, TP.Tân An

Vỉa hè vẫn dễ bị tái chiếm

Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng tái chiếm vỉa hè là chính quyền chưa kiên quyết xử lý, người dân lấn chiếm để mưu sinh, thói quen mua - bán trên vỉa hè,... Từ tháng 3/2017 đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện với quyết tâm cao, bài bản hơn. Nhiều địa phương xây dựng kế hoạch chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè, áp dụng hình thức từ “mềm” đến kiên quyết. Thời gian đầu là tuyên truyền, vận động, sau đó nhắc nhở và hiện nay là kiên quyết lập biên bản xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm. Qua đó, người dân nâng cao ý thức chấp hành tốt hơn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè giảm, nhất là tại những địa bàn phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp như TP.Tân An, các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc,...

Tại TP.Tân An, các tuyến đường trước đây xảy ra tình trạng buôn bán lộn xộn, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè gây bức xúc như Huỳnh Việt Thanh, Lê Văn Tao, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Hùng Vương, Quốc lộ 62,... cơ bản được chấn chỉnh, trả lại sự thông thoáng. Tuy nhiên, có những tuyến đường, vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm như đường Lê Cao Dõng, Ngô Quyền nhưng chưa được khắc phục dứt điểm.

“Hàng tuần, Tổ liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự lòng, lề đường, vỉa hè của TP.Tân An đều tiến hành kiểm tra trên các tuyến đường. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn cũng thường xuyên kiểm tra tại những tuyến đường “nổi cộm” về lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để qua đó có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời. Thành phố cũng nhận thấy trên nhiều tuyến đường còn tình trạng buôn bán, đậu, đỗ xe lấn chiếm vỉa hè, trong đó có một số đoạn đường trước ngân hàng và sẽ có biện pháp chấn chỉnh, xử lý” - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Tân An - Võ Huỳnh Vũ Sơn cho biết.

Vỉa hè đường Nguyễn Văn Siêu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức khá thông thoáng

Vỉa hè đường Nguyễn Văn Siêu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức khá thông thoáng

Tại huyện Bến Lức, nếu trước đây, một số tuyến đường: Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hữu Thọ, Võ Công Tồn, Huỳnh Châu Sổ, Phan Văn Mảng ở thị trấn Bến Lức thường xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè thì hiện nay, cơ bản thông thoáng. Dọc tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua xã Mỹ Yên, các cơ sở buôn bán nông - ngư cơ sắp xếp lại máy móc gọn gàng, lùi sâu vào trong. Nhưng, tại một số tuyến đường, vỉa hè có nguy cơ bị tái chiếm. Qua ghi nhận của phóng viên, tại Đường tỉnh 835, đoạn qua khu vực ấp 4 và ấp Chợ, xã Phước Lợi, sau một thời gian người dân chấp hành khá tốt, không bày bán hàng hóa, đậu, đỗ xe lấn ra vạch sơn giới hạn thì gần đây, nhiều người lại bày hàng hóa, dựng bảng hiệu tràn ra vỉa hè, che khuất tầm nhìn như trước”.

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bến Lức - Nguyễn Thành Nam cho biết: “Thời gian qua, huyện, các xã, thị trấn thực hiện khá tốt việc lập lại trật tự vỉa hè. Tuy nhiên, việc lập lại trật tự vỉa hè phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ; nếu buông lỏng, lơ là thì nguy cơ tái chiếm rất cao. Vì vậy, chúng tôi sẽ chú ý những khu vực, địa điểm có dấu hiệu, nguy cơ tái chiếm vỉa hè để kịp thời báo cáo UBND huyện chỉ đạo UBND xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm”./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết