Tiếng Việt | English

21/07/2017 - 10:23

Lập lại trật tự vỉa hè phải kiên trì với quyết tâm cao

Lập lại trật tự, “lấy lại” vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATGTĐB), tạo mỹ quan đô thị ở các địa phương bước đầu đạt những kết quả nhất định. Nhưng để có hiệu quả cao, bền vững, cần phải thực hiện liên tục, thường xuyên, kiên trì với quyết tâm cao.


Tuyến Quốc lộ 50 qua thị trấn Cần Giuộc, vỉa hè dần thông thoáng trở lại

Có chuyển biến

Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Bến Lức, tỉnh Long An xây dựng 3 kế hoạch liên quan đến việc chấn chỉnh, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, chợ tự phát, HLATGTĐB. Những kế hoạch đó thể hiện quyết tâm của chính quyền trong lập lại trật tự vỉa hè.

Ghi nhận của phóng viên, hiện nay, dọc tuyến Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, các cơ sở buôn bán nông - ngư cơ bản sắp xếp lại máy móc gọn gàng, lùi sâu vào trong, không để tràn lan trên hành lang đường bộ như trước. Còn chợ tự phát bên Đường tỉnh 830, đoạn qua xã Lương Hòa được giải tán, tạo sự thông thoáng, an toàn cho người lưu thông qua đây, nhất là chiều tối.

Các tuyến đường ở thị trấn Bến Lức: Nguyễn Hữu Thọ, Võ Công Tồn, Nguyễn Văn Siêu, Huỳnh Châu Sổ, Phan Văn Mảng thời gian trước, bàn ghế, ô dù, biển hiệu của các cửa hàng kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè rất nhiều nhưng giờ dần thông thoáng. Đối với tuyến Đường tỉnh 835, đoạn qua khu vực ấp 4 và ấp Chợ, xã Phước Lợi, hiện vỉa hè vẫn còn bị lấn chiếm khá nhiều nhưng so với thời gian trước thì có cải thiện đáng kể. Vỉa hè ở khu vực này được kẻ vạch sơn, nhiều hộ có ý thức chấp hành chủ trương khi sắp xếp hàng hóa buôn bán lùi vào theo giới hạn của vạch sơn phân định.

Ở huyện Cần Giuộc, dọc tuyến đường của thị trấn: QL50, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn An Ninh,... các hộ dân buôn bán, kinh doanh 2 bên sắp xếp hàng hóa khá gọn gàng. “Nhìn chung, việc lập lại trật tự vỉa hè, HLATGTĐB đã và đang có hiệu ứng lan tỏa, được thực hiện nghiêm túc ở các cấp chính quyền và đoàn thể. Đa số người dân chấp hành tự tháo dỡ các biển báo, quảng cáo, mái che lấn chiếm” - Chủ tịch UBND thị trấn Cần Giuộc - Lê Thị Phương Dung cho biết. Ngoài các tuyến đường chính ở thị trấn, các tuyến đường thuộc các xã gần thị trấn: Tân Kim, Trường Bình, Mỹ Lộc, tình hình lấn chiếm HLATGTĐB làm nơi buôn bán cũng được cải thiện đáng kể.

Tại TP.Tân An, chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè đang được đẩy mạnh thực hiện, bước đầu có nhiều tín hiệu chuyển biến tích cực. Hiện vỉa hè ở nhiều tuyến đường: Nguyễn Trung Trực, Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu,... dù vẫn còn tình trạng lấn chiếm để buôn bán nhưng so với trước giảm rất nhiều. Xe máy trên vỉa hè cũng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp hơn. Nhiều hộ trước đây buôn bán hàng ăn trên vỉa hè, giờ chuyển vào trong nhà.

Theo quan sát của phóng viên, nơi chuyển biến rõ nhất là tuyến đường Huỳnh Việt Thanh và Lê Văn Tao (hơn một nửa đường) ở phường 2. Thời gian trước, trên 2 tuyến đường này, những người kinh doanh từ cóc, ổi, xoài đến nghêu, sò, ốc, hến,... đều bày bán chiếm trọn vỉa hè, nhưng hiện nay, vỉa hè cơ bản thông thoáng trở lại, các hộ dân bố trí hàng hóa bên trong nhà. Phường 2 đang quyết tâm xây dựng 2 tuyến đường này trở thành tuyến đường văn minh đô thị trong năm 2017.

Chị Nguyễn Thị Liên, bán trái cây ở bên tuyến đường Lê Văn Tao, cho biết: “Dù ký cam kết nhưng thời gian đầu, tôi không chấp hành nên bày bán ra gần mép ngoài của vỉa hè. Khi nào phát hiện lực lượng của phường từ xa thì tôi kéo hàng vào trong, nhưng khi lực lượng đi rồi, tôi lại dọn ra. Nhưng từ khi được nhắc nhở, vận động kiên trì của địa phương, tôi chấp hành tốt, sắp xếp hàng hóa lùi vào trong, bày bán theo quy định”.


Hơn một nửa tuyến đường Lê Văn Tao (phường 2, TP.Tân An), vỉa hè không bị lấn chiếm như trước

Tại huyện Đức Hòa, chiến dịch “lấy lại” vỉa hè, HLATGTĐB đang được thực hiện, nhất là mấy tháng gần đây. Trong tháng 6, UBND huyện tiến hành sơ kết, đánh giá những mặt được và cả những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục.

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành đánh giá: “Sau thời gian ra quân thực hiện giải tỏa lòng, lề đường và vỉa hè, bộ mặt vỉa hè ở một số xã, thị trấn bước đầu khởi sắc, thông thoáng. Cụ thể, có 2.860 trường hợp cam kết đồng ý tự tháo dỡ mái che, biển hiệu, biển quảng cáo, không tụ tập buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường và vỉa hè; trong đó có hơn 2.140 hộ di dời, tháo dỡ như cam kết. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 203 trường hợp không chấp hành”.

Không “bắt cóc bỏ dĩa”

Những hiệu ứng tích cực ban đầu về chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, HLATGTĐB thời gian gần đây (đẩy mạnh từ tháng 3 đến nay) cho thấy, có sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện của các địa phương. Thực ra, việc này được thực hiện từ lâu nhưng rồi tình trạng lấn chiếm vẫn tái diễn. Ngoài ý thức của người dân, thói quen, tập quán thì ngành chức năng cũng chưa thường xuyên, quyết liệt thực hiện,...


Mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán vẫn còn diễn ra ở khá nhiều nơi (Trong ảnh: Một hộ dân trưng bày hàng hóa bán trên vỉa hè, vượt ra ngoài vạch kẻ quy định giới hạn của địa phương)

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn cho biết, chiến dịch lập lại trật tự đô thị lần này, UBND thành phố chỉ đạo, phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu xã, phường. Nếu để nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường tái diễn thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Trong thực hiện phải đồng bộ, quyết liệt ở các địa phương trên toàn thành phố. Trong đó, có sự tập trung hơn cho những tuyến cụ thể, sau khi xong thì tiếp tục tập trung tuyến khác. Những tuyến chấn chỉnh xong thì địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt vi phạm nhằm tránh tái lấn chiếm.

Lập lại trật tự vỉa hè tưởng dễ nhưng thực hiện không đơn giản. Không thể lúc nào, lực lượng chức năng cũng đi kiểm tra, có mặt tại các tuyến đường. “Theo tôi, ý thức, sự tự giác của người dân rất quan trọng, là yếu tố quyết định. Chính quyền, đoàn thể các cấp cũng cần kiên trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành. Còn nếu tháo dỡ, thậm chí nộp phạt mà người dân không thay đổi ý thức thì nguy cơ tái lấn chiếm sẽ rất cao” - bà Nguyễn Thị Thu Vân, ngụ phường 1, TP.Tân An đề nghị.

Theo tìm hiểu, các địa phương: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, TP.Tân An, thị xã Kiến Tường,... đều xây dựng kế hoạch và thành lập ban chỉ đạo từ cấp huyện xuống cấp xã nhằm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, HLATGTĐB. Cách thực hiện thì từ tuyên truyền, vận động, cam kết, nhắc nhở rồi mới tiến hành tháo dỡ, xử phạt.

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bến Lức - Nguyễn Thành Nam cho rằng: “Đối với tình trạng lấn chiếm vỉa hè, HLATGTĐB, nếu chỉ ra quân làm rầm rộ năm bữa, nửa tháng, hay chỉ thực hiện từng đợt cao điểm rồi không quyết liệt nữa thì khó đạt hiệu quả cao, bền vững và rất dễ tái diễn. Việc này phải làm thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao. Nhận rõ được vấn đề này, chúng tôi xây dựng kế hoạch thực hiện mang tính quyết liệt, bền bỉ, liên tục. Đối với những trường hợp không chấp hành sẽ tiến hành xử phạt. Từ đầu năm, toàn huyện nhắc nhở gần 1.500 trường hợp, lập biên bản vi phạm hành chính gần 180 trường hợp”.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc lập lại trật tự vỉa hè, HLATGTĐB sẽ rất khó khăn vì liên quan đến miếng cơm, manh áo của nhiều người nghèo. Đằng sau những xe bánh mì, những rổ ổi,... là cuộc sống của cả gia đình. “Giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, HLATGTĐB không phải việc dễ dàng, đơn giản vì liên quan đến đời sống của một bộ phận người dân nghèo. Theo đó, chính quyền cũng bàn tính, có thể quy hoạch một khu vực hợp lý, thuận lợi để họ buôn bán tập trung” - chị Nguyễn Thị Hường, ngụ phường 1, TP.Tân An đề nghị.

Đồng tình với những quan điểm, giải pháp trên, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cần Giuộc - Phạm Tấn Lợi cho rằng, giải quyết vấn đề này rất cần sự hợp sức, đồng lòng, vào cuộc đồng loạt của cả hệ thống chính trị. Trong thực hiện phải đồng loạt, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và cả các địa phương giáp ranh nhau, nếu nơi làm, nơi không thì khó đạt hiệu quả cao.

“Trong quá trình thực hiện, một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, phương tiện và có những người dân thắc mắc, cố tình không chấp hành. Nắm bắt những vấn đề này, ban chỉ đạo của huyện đề xuất, kiến nghị kịp thời hỗ trợ; thậm chí xuống tận địa điểm để cùng giải quyết” - ông Lợi nói thêm./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết