Tiếng Việt | English

28/10/2019 - 10:28

Lạp xưởng an toàn thực phẩm Cô Châu được người tiêu dùng ưa chuộng

Lạp xưởng là món ăn ngon và không thể thiếu trong tủ bếp của nhiều gia đình. Vậy nên, để có được miếng lạp xưởng ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề đáng lưu ý trong mỗi bữa ăn.

Lạp xưởng Cô Châu mang hương vị đặc trưng
Lạp xưởng Cô Châu mang hương vị đặc trưng

Điểm bán lạp xưởng ATTP Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là một trong những cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi được rất nhiều khách hàng gần xa ưa chuộng. Xuất thân trong gia đình có nghề truyền thống làm lạp xưởng tươi hơn 40 năm, cách đây khoảng 9 năm, chị Lưu Thị Kim Châu tách ra làm riêng và khẳng định được thương hiệu lạp xưởng tươi Cô Châu với nhiều khách hàng. Mặc dù sản phẩm có giá cao hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhưng người tiêu dùng vẫn rất ưa chuộng lạp xưởng Cô Châu vì có hương vị đặc biệt.

Theo chị Lưu Thị Kim Châu, cơ sở sản xuất luôn đặt tiêu chí vệ sinh, ATTP lên hàng đầu.Cơ sở bảo đảm ATTP từ khâu chọn thịt đến sản xuất, thành phẩm, đóng gói.Nguyên liệu chính để làm lạp xưởng là thịt heo, nhưng muốn có lạp xưởng ngon, việc chọn thịt đòi hỏi phải nghiêm túc không kém khi làm giò lụa (thịt bảo đảm có giấy xuất xứ, nguồn gốc động vật).

Thịt nạc đùi khi mua phải còn nóng, đem về lóc bỏ hết các phần gân, mỡ và bầy nhầy. Thịt sau khi xay hoặc xắt sẽ được trộn với mỡ xắt hạt lựu rồi ướp với hỗn hợp gồm đường, muối, tiêu, tỏi, bột ngọt, rượu (rượu ướp có thơm hương đặc trưng là bí quyết riêng của gia đình chị Châu lưu giữ hơn 40 năm). Sau khi ướp chừng 2-3 giờ, hỗn hợp thịt sẽ được trộn thêm tiêu hột và dồn vào ruột (sử dụng máy để dồn thịt).Có thể nói, giai đoạn định hình và thắt gút là khâu khó trong quá trình làm lạp xưởng. Trước khi đem phơi nắng hay sấy, lạp xưởng được rửa sạch bằng nước ấm, xăm kim tạo điều kiện cho lạp xưởng “thở” và không bị phồng rộp trong quá trình khô. Dưới tác động của nhiệt độ, lạp xưởng sẽ lên men và ửng đỏ dần theo thời gian. Nếu trời nắng tốt, sau chừng 2-3 nắng có thể thu hoạch để hoàn thiện sản phẩm. 

Không vì lợi nhuận mà giảm chất lượng, do đó, lạp xưởng Cô Châu luôn được khách hàng tin dùng. Bên cạnh lạp xưởng heo, cơ sở còn sản xuất lạp xưởng tôm, dồi sả, các loại khô, cá,… đều là đặc sản mang hương vị của quê hương Cần Đước. Chị Kim Châu nói: “Đặc trưng của lạp xưởng ở đây là vị ngọt từ thịt, béo mà không ngấy từ mỡ và chút thơm nồng của hạt tiêu đen. Món ăn này “chuẩn ngon” là khi còn ở dạng tươi, khô mặt, lốm đốm một ít mỡ trắng, nhìn bên ngoài lạp xưởng có màu đỏ hơi thẫm tự nhiên. Đặc biệt, sau khi chế biến, những hạt mỡ sẽ tan và ngấm ngay vào thịt, do đó lúc cắt lát sẽ không còn thấy mỡ, mặt thịt khô và dính lại với nhau, màu thịt ửng hồng trông đã bắt mắt lại còn vô cùng bắt vị”.

Chị Trần Thị Thương, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Tôi hay mua lạp xưởng Cô Châu về chế biến cho các bữa ăn hàng ngày của gia đình. Lạp xưởng ở đây rất ngon và bảo đảm ATTP nên tôi rất tin dùng, đồng thời giới thiệu cho bạn bè gần xa mỗi khi về quê hương Cần Đước”.

Hiện nay, ngoài cung cấp cho thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh, Cơ sở lạp xưởng Cô Châu còn ký kết với 2 cửa hàng nông sản sạch được chứng nhận VietGAP tại TP.Tân An. Trung bình 2-3 ngày, cơ sở cung cấp ra thị trường từ 70-100kg lạp xưởng./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích