Tiếng Việt | English

06/10/2019 - 13:13

Lễ Kỷ niệm chu niên Đức Chưởng tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Ngày 06/10, Hội đồng gia tộc tổ chức Lễ kỷ niệm chu niên (Lễ giỗ) lần thứ 200 của Đức Chưởng tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức tại Khu di tích Nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức.

Thắp hương tưởng nhớ công ơn Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức có tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng, nay là phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời võ nghiệp. Năm 1782, ông được phong chức Tiền quân. Từ đó về sau, cuộc đời ông gắn chặt với chúa Nguyễn. Vì có công, ông được ban “quốc tính” và xem như người trong hoàng tộc. Vì thế, ông mang tên Nguyễn Huỳnh Đức từ lúc ấy.

Năm 1783, ông đánh với quân Tây Sơn nhưng bị bắt. Ông là bậc tướng tài, ai cũng muốn thu về dưới trướng nên Nguyễn Huệ dùng hết lời để chiêu dụ. Cuối cùng, ông đồng ý nhưng giao kết với Nguyễn Huệ là chỉ đánh quân Trịnh chứ không đụng tới quân chúa Nguyễn. Năm 1799, ông được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, ra đánh lấy được Phan Rí, rồi Thị Nại (Bình Định). Năm sau, ông dẫn quân đánh hạ được thành Quy Nhơn, rồi được cử vào Nam cai quản xứ Định Tường.

Đến năm 1802, Nguyễn Vương lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công. Tương truyền dân gian và sử sách ghi lại, ông là người trung cang, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi ông là “Hổ tướng”. Ông mất vào ngày 09/9/1819 (thọ 71 tuổi), được dân gian xem như một vị thần. Đến năm 1831, ông được truy tặng là Kiến Xương Quận công.

Người dân đến dự lễ giỗ, thắp hương Lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Lăng Nguyễn Huỳnh Đức được công nhận là Di tích lịch sử, văn hoá từ năm 1993, là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất tại Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tưởng nhớ Đức cao tổ, vị công thần của dân tộc, hàng năm, vào 3 ngày (mùng 7, 8 và 9 tháng 9 âm lịch), nhân dân Long An và Tiền Giang tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng giỗ ông hết sức trọng thể. Truyền thống này được kế tục từ năm 1819 đến nay./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích