Tiếng Việt | English

20/02/2017 - 10:02

Leng keng cà rem

Ngày qua ngày, bất kể nắng hay mưa, người đàn ông gầy còm với dáng vẻ khắc khổ, còng lưng đạp xe trên đường phố tấp nập chở theo thùng cà rem. Thay lời rao là tiếng leng... keng... từ cái chuông phía trước ghi-đông xe. Tiếng chuông có vẻ lạc lõng giữa dòng người, xe cộ ngược xuôi, nhưng hình ảnh đó, tiếng chuông đó như dội vào tim tôi những cảm xúc ngập tràn của tuổi thơ xa lắc.

Rong ruổi mưu sinh

Ông là Vũ Hồng Phong, gần 60 tuổi đời, có đến 30 năm hành nghề bán cà rem dạo. Chiếc áo sơ mi sờn vài, cái nón rộng vành bạc màu che nắng, chiếc xe đạp cũ kỹ,... đồng hành cùng ông trên những nẻo đường mưu sinh. Đưa đôi bàn tay nhăn nheo, quệt vội giọt mồ hôi lăn dài trên má, ông nhoẻn miệng cười: “Tôi vốn người ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang"

Bất kể nắng mưa, ông Vu Hồng Phong vẫn đạp xe bán cà rem

Cách đây mấy chục năm, cuộc sống khó khăn nên đâu được học hành gì nhiều. Sau đó, tôi đi làm mướn sinh sống. Được một thời gian, bạn bè rủ tôi đi bán cà rem. Ngày qua ngày đã ngót mấy chục năm, tôi không nghĩ mình gắn bó với nghề này lâu đến vậy!”.

Vừa giở thùng lấy cà rem cho khách, ông khẽ nói, ngày trước bán cà rem được lắm! Ông và mấy người bạn chia địa bàn ra bán. Riêng ông đạp xe lên tận Long An.

Những cây cà rem giờ đây không còn hấp dẫn đám trẻ con. Thùng cà rem của ông dần dần lạc lõng giữa những tiếng rao được thu âm sẵn của những loại kem “đời mới” được bọc vỏ in hình bắt mắt. Công việc ế ẩm quá nên những người bạn bán cà rem của ông năm nào hầu hết chuyển sang nghề khác, duy chỉ có ông còn bám trụ với nghề.

Hàng ngày, từ 5 giờ sáng, ông ra tiệm kem tại TP.Mỹ Tho để lấy hàng. Chờ cà rem cứng, ông đạp xe lên Long An để bán. Dấu chân của ông in trên những ngóc ngách, nẻo đường ở TP.Tân An. Ông còn đạp xe xuống tận huyện Châu Thành để bán.

Gần 21 giờ, ông cọc cạch đạp xe về nhà. Nhiều năm trước, có xe đò quen đi ngang Long An về Tiền Giang, họ ghé rước giùm. Nay xe hiện đại hơn, họ không nhận chở xe đạp nữa nên ông đành đạp xe về nhà.

Khắc khoải tuổi thơ

Mấy chục năm vất vả ngược xuôi, niềm vui lớn nhất với người đàn ông khốn khó này là hạnh phúc bình dị bên người vợ và đứa con trai đang học lớp 9. Cuộc sống khó khăn nên khi còn trẻ, ông chưa từng mơ ước về một mái ấm gia đình.

Trong một lần tình cờ như duyên tiền định, ông gặp người vợ hiện tại của mình. Cả hai cảm thông hoàn cảnh của nhau và “góp gạo thổi cơm chung” với hy vọng nương tựa lẫn nhau khi về già. Khi ngoài 40 tuổi, ông bà vui mừng đón đứa con trai chào đời. Từ đó, dù làm lụng cực khổ nhưng vợ chồng ông đều động viên nhau.

“Ước mơ lớn nhất của vợ chồng tôi là đứa con trai khôn lớn, khỏe mạnh, có cái chữ để vào đời với người ta, không phải lao động vất vả như tụi tôi. Bấy nhiêu thôi là vợ chồng tôi vui mừng lắm rồi!” - ông chia sẻ.

Hình ảnh ông lão bán cà rem gợi nhớ một thời tuổi thơ

Thời tiết thất thường, lúc nắng nóng như đổ lửa, khi mưa như trút nước, vậy mà ông vẫn cố đạp chiếc xe cà tàng, chở thùng cà rem 80 cây rong ruổi khắp các con đường kiếm tiền nuôi gia đình.
Ở thời đại công nghệ số, tiếng leng keng ngày nào cũng thưa dần, nhưng ông vẫn bám nghề. Ông quen với công việc bán cà rem nên không nỡ từ bỏ. Thế là chiếc xe cà rem lại đồng hành cùng ông trên khắp các nẻo đường mưu sinh.

Những ngày nắng ông bán cũng tạm, kiếm được vài chục ngàn đến trăm ngàn đồng. Còn những ngày mưa, có khi ông không bán được cây cà rem nào.

Nhìn dáng vẻ của ông và nghe tiếng leng keng, chợt nhớ tuổi thơ đến lạ, nhớ que kem xanh xanh, hồng hồng, ăn vào ngọt ngọt, mát mát. Một chiếc dép đứt quai đổi được hai que hay những đồng bạc ít ỏi được ba mẹ cho phải để dành rất lâu mới mua được cà rem. Một thời, cà rem trở thành món “xa xỉ” với đám trẻ con vùng quê. Ngày ấy, vào những trưa hè nắng gắt, chỉ cần thưởng thức cây cà rem mát ngọt, cảm thấy lòng mình như dịu hẳn đi.

Năm tháng cứ trôi qua, người ta dần khôn lớn, tiếng leng keng cũng dần trôi vào ký ức. Để rồi ngày nay, giữa thành phố đông người xa lạ, ta vô tình bắt gặp tiếng leng keng,... Lòng bỗng nghe xôn xao, nhớ về những ký ức của một thời thơ ấu./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết