Tiếng Việt | English

13/02/2018 - 09:53

Lênh đênh ngày tết thương hồ

Bước sang năm mới, ai cũng mong ước sẽ có nhiều thuận lợi, may mắn hơn năm cũ. Thế nhưng, có những gia đình, thậm chí nhiều thế hệ, đón từ cái tết này đến cái tết khác trong nhọc nhằn, cơ cực. Như bao người, họ cũng mong một cuộc sống ổn định, bớt lênh đênh...

Chị Nguyễn Thị Bạch Mai buôn bán trên sông nước hơn 30 năm

Long đong theo con nước

Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Bạch Mai (quê huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã hơn 30 năm lênh đênh trên sông nước bán hàng hóa, trái cây tại huyện Thạnh Hóa. Mấy chục năm gắn bó với nghiệp mưu sinh này cũng là ngần ấy thời gian, mẹ con chị chịu mọi bất tiện khi sinh hoạt trên ghe. Chị Bạch Mai chia sẻ: “Buồn nhất là tết năm nào cũng tận cuối năm, hai mẹ con mới về quê. Đón tết không bao lâu thì tôi lại hối hả lên đường. Cái nghề rồi thành cái “nghiệp”, ai lại không muốn sống ở quê nhà nhưng vì kế sinh nhai nên đành phải chịu!”.

Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Lắm và chị Lý Hoàng Vân (quê huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) rong ruổi trên ghe ngót nghét 23 năm. Gia đình anh chị ở quê nghèo lắm! Cưới xong, hai vợ chồng chỉ có mảnh đất dựng chòi ở tạm. Làm thuê không đủ ăn lại còn mắc nợ nên anh chị đành mưu sinh nơi xứ lạ, quê người. Ba đứa trẻ lần lượt ra đời cũng long đong cùng cha mẹ. Đứa nào cũng học xong tiểu học rồi bỏ ngang, đi làm mướn. Hàng năm, từ mùng 2 tháng 10 (âm lịch), vợ chồng chị bắt đầu neo ghe ở chợ thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, thuê mặt bằng bán kiểng. Hôm nào anh về quê lấy hàng thì chị phải trải đệm, che bạt ngủ luôn tại chỗ bán.

Tết năm ngoái, mưa trái mùa nên bông gãy, mai trổ hoa sớm, anh chị lỗ mấy chục triệu đồng. Chị Vân xúc động: “Năm nào cũng vậy, xong đợt hàng tết thì gần sáng mùng 1 mới về tới quê. Dọc đường nhìn mọi nhà sum họp, hai vợ chồng rớt nước mắt. Năm nào thua lỗ, về ăn tết mà lòng “đắng nghét”, nhà cửa trống trơn nên chúng tôi cũng chẳng nôn nao, chủ yếu là thăm mấy đứa nhỏ. Năm nay, tôi chỉ mong “mưa thuận, gió hòa” để bữa cơm đoàn viên đầy đủ hơn mấy năm qua!”.

Chị Lý Hoàng Vân chăm sóc hoa bán tết

Ước mơ một mái nhà

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám sống trên ghe tại xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa hơn 10 năm nay. Quê anh ở tận Hưng Yên, còn quê vợ anh - chị Châu Thị Hồng Yến ở phường Khánh Hậu, TP.Tân An. Với anh chị, chiếc ghe nhỏ - phương tiện mưu sinh cũng là nhà của mình. Cuộc sống khó khăn nên anh chị chăm đứa con nhỏ, đứa lớn thì gửi nhà ngoại để thuận tiện việc học. Không đất đai, nhà cửa nên anh chị thuê bến của người dân địa phương đậu ghe làm nghề xay xát gạo. Dành dụm được ít tiền, anh chị mua chiếc xe máy nhưng cũng gửi nhờ nhà người ta, vì không đem xuống ghe được.

Buổi trưa nắng nóng, các hộ thu mua phế liệu rời ghe, cùng ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện dưới tán cây

Ngày tết, anh chị cũng trang hoàng bàn thờ nhỏ thờ cúng ông bà. Chị Yến chia sẻ: “Dù có nhà cửa hay không thì cũng phải có bàn thờ để thể hiện lòng hiếu kính, tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Vợ chồng tôi mơ ước có được ngôi nhà trên bờ để gia đình sum họp, đón tết quây quần bên nhau”.

Đồng cảnh ngộ với vợ chồng anh Tám, bến sông dưới chân cầu Kênh 12, khu phố 2, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, có một “xóm ve chai” với 6 hộ gia đình cùng sinh sống. Tuy không phải họ hàng nhưng họ đều là đồng hương Cần Giuộc. Trước đây, bến sông này có đến 20 hộ nhưng số người trụ lại đến giờ chỉ còn bấy nhiêu.

Dù sống lênh đênh trên sông nước nhưng những người chọn kiếp thương hồ để mưu sinh vẫn chu toàn việc thờ cúng tổ tiên ngày tết

Chị Đỗ Thị Hồng Thủy cho biết: “Vợ chồng tôi sống trên ghe gần 20 năm. Ban ngày, tôi thu mua phế liệu, máy nổ cũ về sửa chữa. Có ngày chỉ mua được vài ký bao nhựa, lời có 1.000-2.000 đồng. Không đất đai, nhà cửa, cuộc sống bấp bênh nhưng lên bờ thì chẳng biết làm gì, chúng tôi vẫn phải bám ghe mưu sinh!”.

Kể về hoàn cảnh của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh ngậm ngùi: “Quê tôi ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, theo chồng mua phế liệu được hơn 6 năm. Ban đầu, mới sống trên ghe, sóng dập dềnh, tôi chóng mặt, trượt ngã hoài. Không gian tù túng, ngột ngạt nhưng phải ráng chịu vì không có tiền mua đất cất nhà. Có lần, theo mẹ đi mua ve chai, thấy người ta nhà cửa khang trang, con gái tôi khóc, đòi có được căn nhà như vậy. Đó cũng là ước mơ lớn nhất của vợ chồng tôi!”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nghẹn ngào khi chia sẻ về hoàn cảnh của mình

Thử một lần thăm “nhà” của bất kỳ gia đình nào ở bến sông này, chúng ta sẽ thấy được những khó khăn mà họ gặp phải! Ấy vậy mà, có ghe, 5, 6 người chen chúc nhau sinh sống. Những lúc mưa to, gió lớn, ghe cứ dập dềnh theo con sóng, tội nhất là những cháu nhỏ, cuộc sống không chỉ khổ cực mà còn đầy hiểm nguy. Chị Võ Thị Loan bộc bạch: “Làm việc cả năm, ngày tết với chúng tôi cũng như bao ngày bình thường khác. Khoảng 27, 28 tháng Chạp, tôi cũng về quê thăm họ hàng nhưng chẳng ở lâu vì không có nhà cửa ở đó. Về quê ăn tết nhưng vẫn là ở “ké” nhà cha mẹ, anh chị em nên nghỉ vài ngày thì quay lại nơi đây!”.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Hoài Phong: Các hộ dân làm nghề mua bán phế liệu đã lâu, họ sống chan hòa với người dân địa phương và không xảy ra mất an ninh, trật tự hay vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho con của họ được đến trường để có được tương lai tươi sáng!

Rong ruổi theo con nước, “không tấc đất cắm dùi”, lênh đênh với kiếp thương hồ nên ước mơ có một mảnh đất cất nhà với họ vẫn thật xa vời. Ngày tết của họ chỉ là những ngày nghỉ hiếm hoi, rồi lại tất bật cùng cuộc sống nổi trôi trên sông nước. Giờ đây, tất cả ước mơ của mình, họ đành dành lại cho con, cháu - dù nghèo, dù lênh đênh nhưng vẫn mong thế hệ tiếp theo được học hành để bớt nhọc nhằn như ông bà, cha mẹ. Và, ước nguyện một ngày không xa, họ được “lên bờ”, có một bến đỗ bình yên nơi quê nhà./.

Ngọc Mận-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết