Tiếng Việt | English

10/12/2015 - 10:13

Lịch sử sống động dưới chân tượng đài

Là người dân Long An, mỗi ngày, biết bao lượt ngược xuôi ngang Tượng đài Long An "Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc" có bao giờ bạn cho xe chạy chầm chậm để ngắm nhìn, để lắng nghe tiếng thì thầm của lịch sử? Và bạn có biết dưới chân cụm tượng đài đang ẩn chứa một bảo tàng sống động, vô cùng độc đáo về mảnh đất, con người Long An?

Một góc xưởng chế tạo vũ khí

Bước vào không gian tối om của hộp hình đầu tiên, sau mấy phút định thần cho mắt quen trong bóng tối, chầm chậm ngồi xuống và nhìn thật kỹ, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh sinh động của chiếc xuồng ba lá mỏng manh ẩn mình dưới những rặng dừa nước chở bộ đội qua sông. Đâu đó tiếng rì rầm của mái chèo, tiếng thở rất khẽ của dòng sông Vàm, của đoàn người và âm thanh lấn át bởi tiếng máy bay địch trinh sát.

Bước sang hộp hình thứ 2 là sa bàn sáng rõ cảnh đồn Đức Lập và chiến công của quân ta 3 lần điệt đồn Đức Lập năm 1965. 

Sang hộp hình thứ 3, mọi người đồng loạt bật lên tiếng ồ lý thú. Trước mắt là hộp hình công binh xưởng sản xuất vũ khí. Nhìn kìa, từ xa, ta thấy bếp lò nấu kim loại đỏ rực ẩn trong rừng tràm, cùng những người lính lưng trần mình nhể nhại mồ hôi đang khom người nấu mẻ kim loại, họ gõ, giũa, hàn, tiện, rèn chế tạo các loại vũ khí.

Liền kề một bên là khu thí nghiệm với nhiều ống nghiệm, chai, lọ, chính giữa là băng-rôn khẩu hiệu đỏ chói “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Phút chốc, ta như đang có mặt tại một công binh xưởng thật ngoài đời.

Chưa hết ngạc nhiên, bước sang hộp hình nữa, tôi không khỏi xúc động với hình ảnh dân công hỏa tuyến Long An bắc “cầu người” để chuyển thương binh. Những tấm thân phụ nữ mảnh dẻ ngâm trong bùn lầy đang cố vươn lên kề đôi vai mảnh khảnh làm những nhịp cầu vững chắc giúp đồng đội dễ dàng chuyển thương binh.

Dân công hỏa tuyến bắc “cầu người” vận chuyển thương binh

Chợt nhớ lời ca khúc “Những bông hoa trên tuyến lửa” làm dịu vết thương, quyết không để vết thương anh nhuộm máu 2 lần là đây. Sức mạnh của tình thương, đức hy sinh, tình đồng đội, đồng chí là đây.

Chưa hết xúc động, hộp hình tiếp theo là cảnh “Trạm quân y tại căn cứ Đám lá tối trời xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ. Giữa vòng vây của kẻ thù, giữa biển nước, nơi đám lá mịt mù thiếu thốn trăm bề, trong ánh sáng đỏ mù mù của chiếc đèn chụp, các bác sĩ quân y đang tỉ mỉ phẫu thuật cho thương binh.

Nhiều bạn trẻ bật lên câu hỏi: “Trời ơi, làm sao có thể sống, có thể chiến đấu, có thể tồn tại và làm phẫu thuật…. trong hoàn cảnh, điều kiện khắc nghiệt như thế? Tài tình thật, độc đáo quá, khâm phục vô cùng! Vậy mà tại sao bấy lâu nay mình thờ ơ, mình không hề biết ? Và còn bao điều kỳ tích khác về mảnh đất, con người Long An anh hùng bất khuất mà mình chưa được biết, chưa kịp hiểu, chưa được khám phá…?

Bước ra khỏi khu tầng hầm với bao tâm trạng, bao câu hỏi và bao xúc động bồi hồi. Nhiều bạn trẻ háo hức cắm cúi nắn nót ghi vào sổ lưu niệm của khu di tích những điều trải nghiệm nóng hổi, lòng tự hào thắp sáng trong tim.

Riêng tôi như đã chạm tay vào lịch sử, vào truyền thống hào hùng của mảnh đất Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc. Lòng tự hứa, phải lên kế hoạch đưa học sinh của mình đến đây tận mắt khám phá, chiêm nghiệm để trưởng thành./.

Trần Thị Bửu Luật

 

Chia sẻ bài viết