Tiếng Việt | English

17/01/2019 - 14:29

Liên hợp quốc xác định 5 mục tiêu trọng tâm trong năm 2019

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 16/01 đã có bài phát biểu chuyển tải thông điệp Năm mới, đề cập năm ưu tiên của Liên hợp quốc trong năm 2019 về ngoại giao hòa bình, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), quản trị công nghệ mới và giá trị vững mạnh hơn của Liên hợp quốc trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong bài phát biểu chuyển tải thông điệp năm mới tại New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh thực tiễn trong năm 2018 cho thấy khi thế giới hợp tác cùng nhau và cùng gánh vác trách nhiệm, công việc sẽ được giải quyết. Ông nêu bật một số thành tựu mà Liên hợp quốc đạt được trong năm qua, như tạo lập hòa bình ở Yemen, bán đảo Triều Tiên và Nam Sudan, giảm thù địch giữa Ethiopia và Eritrea, cũng như kết quả thành công của Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 24) được tổ chức tại Ba Lan từ ngày 02-14/12 vừa qua.

Đề cập các hoạt động trong năm 2019, Tổng Thư ký Guterres nhìn nhận Liên hợp quốc cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân các nước, không được dừng lại hay thỏa mãn với những gì đã đạt được.

Tổng Thư ký Guterres nêu bật năm ưu tiên hành động của Liên hợp quốc trong năm 2019, gồm gia tăng các nỗ lực ngoại giao; chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy Các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG); xử lý những thách thức mà các công nghệ mới tạo ra và tái khẳng định các giá trị toàn cầu của Liên hợp quốc.

Đối với mục tiêu tăng cường nỗ lực ngoại giao, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh quan hệ đối tác là nền tảng thiết yếu, đặc biệt là tại châu Phi, theo đó Liên hợp quốc nỗ lực củng cố các thành quả hướng đến hòa bình ở lục địa này, cụ thể tại các điểm nóng như Sahel, Mali, Nam Sudan, Somalia, Cộng hòa Trung Phi hay Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ngoài ra, sự thống nhất và ủng hộ của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là nhân tố quan trọng để tháo gỡ bế tắc trong các cuộc xung đột ở Yemen, Libya, Syria và Afghanistan.

Về mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Guterres cho rằng đây là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện tại và cả tương lai. Để đạt mục tiêu đưa khí thải toàn cầu về ngưỡng 0 vào năm 2050, cần phải nỗ lực ngay từ bây giờ, theo đó, vừa giảm khí thải vừa nắm bắt cơ hội về năng lượng sạch, năng lượng xanh của tương lai. Ông cho biết Liên hợp quốc sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu vào ngày 23/9 năm nay, nhằm hối thúc các nhà lãnh đạo chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự hành động tích cực hơn nữa.

Về hành động thúc đẩy SDG, người đứng đầu Liên hợp quốc nhìn nhận, bất chấp nỗ lực của chính phủ nhiều nước, cộng đồng thế giới vẫn chưa tạo được những thay đổi bước ngoặt như Chương trình nghị sự 2030 đề ra. Ông kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc tăng cường hành động giảm đói nghèo, bất bình đẳng, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Ngay sau hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, trong tháng Chín năm nay Liên hợp quốc cũng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác tập trung thảo luận cách thức thúc đẩy hành động hướng đến SDG.

Đối với mục tiêu tháo gỡ những thách thức mà các công nghệ mới tạo ra, Tổng thư ký Guterres cho rằng công nghệ mới giúp thúc đẩy nỗ lực thế giới vì hòa bình, phát triển bền vững, nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực khác. Trong vấn đề này, Liên hợp quốc sẽ ưu tiên giảm bất bình đẳng về công nghệ số, xây dựng tiềm lực công nghệ số, bảo đảm các công nghệ mới phục vụ loài người, vì mục đích tốt đẹp.

Về mục tiêu thứ 5 tái khẳng định các giá trị toàn cầu của Liên hợp quốc, Tổng thư ký Guterres nhìn nhận những giá trị toàn cầu trong Hiến chương Liên hợp quốc như hòa bình, công lý, nhân phẩm, đoàn kết, bao dung đang bị đe dọa, với việc các luồng quan điểm độc hại đã xuất hiện trong trào lưu chính thống. Ông kêu gọi thế giới cần nỗ lực mạnh mẽ hơn để chứng tỏ Liên hợp quốc thấu hiểu sự bất an, lo sợ, quan ngại của người dân các nước, tiến đến giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến người dân cảm thấy họ bị bỏ rơi trong một thế giới đang biến chuyển nhanh chóng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết