Tiếng Việt | English

29/08/2016 - 16:53

Liên kết "4 nhà" chìa khóa phát triển sản xuất nông nghiệp

Xác định liên kết “4 nhà” là “chìa khóa” để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, vì vậy, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chọn Thạnh An làm xã điểm thực hiện mô hình liên kết “4 nhà”. Mô hình này bước đầu mang lại nhiều kết quả thiết thực.


Người dân Thạnh An an tâm sản xuất trong vùng liên kết

Đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy Thạnh Hóa về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An - Mai Văn Thảo cho biết: “Đến nay, xã có 3 tổ liên kết sản xuất lúa với tổng diện tích 375ha, có 70 hộ dân tham gia; 2 tổ hợp tác sản xuất ở ấp 2 (35,5ha) có 16 hộ tham gia và ấp 3 (137ha) với 42 hộ tham gia. Trong đó, tổ hợp tác sản xuất ấp 2 đang thực hiện Dự án sạ thưa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính với diện tích 30ha, còn lại 5,5ha do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện."

Theo lãnh đạo xã, các tổ thực hiện theo chuỗi liên kết 4 nhà được hỗ trợ đầu vào gồm giống, vật tư nông nghiệp, cuối vụ thanh toán; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; UBND xã hỗ trợ về pháp lý cho các tổ; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 50% cơ giới hóa nông nghiệp như: Chi phí đầu tư máy bơm điện, máy phun phân, giống.

Các thành viên trong các tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất đều phấn khởi khi sản xuất không sợ thiếu vốn, được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Ông Trần Văn Tuấn, người dân ấp 2, xã Thạnh An có 4ha đất sản xuất trong tổ liên kết. Ông Tuấn phấn khởi bộc bạch: “Trước đây chưa sản xuất trong chuỗi liên kết "4 nhà", chúng tôi mạnh ai nấy làm, làm theo kinh nghiệm bản thân, thu hoạch thì tự liên hệ thương lái để bán. Có khi không ai mua, mình phải phơi, sau đó còn phải vô bao dự trữ, chờ có thương lái đến mua nên vừa vất vả, mất thời gian, vừa bị thương lái ép giá. Từ khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, nông dân gieo sạ đồng loạt nên né được sâu bệnh, sản phẩm có đầu ra ổn định, doanh nghiệp đến ký hợp đồng thu mua tại ruộng và có lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 1-2 triệu đồng/ha/vụ”.

Đi đôi với thành lập chuỗi liên kết sản xuất "4 nhà", mỗi năm, xã còn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp nhu cầu thực tế ở địa phương. Từ đầu năm 2016 đến nay, xã phối hợp tổ chức dạy kỹ thuật trồng lúa cho 27 người. Bên cạnh đó, xã còn chủ động đầu tư xây dựng các khu đê bao, trạm bơm điện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sản xuất. Hiện nay, xã có 3 trạm bơm điện; 35 khu đê bao với tổng diện tích 2.863ha, trong đó có 30 khu đê bao lửng, diện tích 1.512ha và 5 đê bao khép kín, diện tích 1.351ha.

Có thể khẳng định, các tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ lúa trên địa bàn được hình thành không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất cho người dân mà còn là “đòn bẩy”, “chìa khóa” cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững. “Thời gian tới, xã chú trọng công tác tuyên truyền để người dân tự nguyện tham gia sản xuất trong các vùng liên kết. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học-kỹ thuật, dự báo tình hình dịch bệnh để người dân kịp thời phòng tránh. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân,...” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An - Mai Văn Thảo chia sẻ thêm./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết