Tiếng Việt | English

04/12/2017 - 08:37

Liên kết để cùng phát triển

Liên kết phát triển du lịch là yêu cầu đã và đang được đặt ra đối với nhiều địa phương, các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười tập trung thực hiện nhằm khơi dậy tiềm năng của mình. Các địa phương phát huy tốt “điểm chung”, đồng thời tìm “nét riêng” để đầu tư, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách. Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Long An đang từng bước khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình và đặt trong mối liên kết vùng chặt chẽ.

Long An phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng phục vụ và tạo điều kiện phát triển KT-XH tỉnh nhà, là điểm đến du lịch vệ tinh của TP.HCM, với sản phẩm đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và dịch vụ vui chơi, giải trí. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, phục vụ và thúc đẩy tích cực sự phát triển của các ngành, lĩnh vực... Từ đó cho thấy, Long An có sự quyết tâm lớn trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” này để nó từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Tỉnh xác định rõ, bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Vì vậy, yêu cầu đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch không chỉ đặt ra đối với ngành chủ quản mà còn với tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đồng thời, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.

Thực hiện liên kết trong phát triển du lịch, tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười", phối hợp giữa ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch “Đồng Tháp Mười - Ba địa phương một điểm đến”. Đồng thời, tỉnh liên kết với Đồng Tháp lập quy hoạch tổng thể phát triển và thực hiện hiệu quả Khu du lịch Quốc gia Tràm Chim - Láng Sen; phối hợp TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang trong phát triển du lịch đường thủy. Địa phương cùng một số tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam bộ hình thành cụ thể các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng,...
Nhằm tạo điểm nhấn, lợi thế cạnh tranh, ba nhóm sản phẩm du lịch của tỉnh từng bước được đầu tư, xây dựng thành thương hiệu của Long An. Những sản phẩm du lịch đặc thù: Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập, Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen, Khu Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười,... có sự đầu tư qua từng giai đoạn, từng bước phát triển. Các sản phẩm du lịch chính và du lịch bổ trợ cùng làm phong phú bản đồ du lịch tỉnh nhà.

Liên kết trong phát triển du lịch đã và đang được đặt ra. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mình, các địa phương khai thác, phát huy, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ trong vùng và các tỉnh, thành khác để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng./.

Từ Nguyên

Chia sẻ bài viết