Tiếng Việt | English

30/08/2016 - 15:56

Liên kết hợp tác phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Ngày 30/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Liên kết hợp tác phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười”.

Chủ trì hội thảo: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trần Thanh Nam, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh.


Các đại biểu tham dự hội thảo

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long trải rộng trên 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Tiểu vùng này có diện tích đất canh tác khoảng 35.000 ha/năm, cây lúa là cây trồng chủ lực của vùng, cho sản lượng hàng năm khoảng trên 3 triệu tấn, đóng góp khoảng 20% lượng gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Liên kết hợp tác phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười nhằm phát huy những cơ hội và thế mạnh chung như: Tiềm năng phát triển nông nghiệp và du lịch – dịch vụ; nhiều sản phẩm đa dạng đặc thù và có thương hiệu; mậu dịch biên giới với Campuchia và thị trường TP.HCM; nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ các nước đang có những ý tưởng hợp tác, hỗ trợ.

Đồng thời khắc phục những điểm yếu và thách thức như: Tài nguyên ngày càng khang hiếm, sử dụng đất kém hiệu quả; tác động biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước đang báo động do các đập ở thượng nguồn, sử dụng tài nguyên nước thiếu liên kết,… Vì vậy, liên kết phát triển tác động đến 2 yếu tố “ đất” và “ nước” và tác động rất lớn đến sự phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Liên kết 3 tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm có 7 nội dung chính: Liên kết phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi; liên kết về bảo vệ quản lý khai thác tài nguyên nước; liên kết về quy hoạch vùng sản xuất; liên kết kêu gọi hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ; liên kết xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; liên kết trong kiến nghị chính sách chung cho tiểu vùng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo kịch bản “Nâng cao sinh kế và ứng phó với biến đổi khí hậu” của vùng đồng bằng sông Cửu Long; liên kết để phản hồi chính sách cho Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế liên quan đến “an ninh nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long” trong tổng thể biến đổi khí hậu và phát triển các đập ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trần Thanh Nam ghi nhận những đóng góp ý kiến của các đại biểu về những vấn đề liên quan đến liên kết vùng. Bên cạnh những thuận lợi, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần chú ý những vấn đề: Liên kết về nguồn nước, điều tiết nguồn nước, sử dụng nguồn nước và trữ nước ngọt; tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thị trường thương mại, sản xuất hàng hóa./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết