Tiếng Việt | English

28/03/2019 - 14:17

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thay vì chờ tạm trữ

Sau hơn 1 tháng thực hiện thu mua lúa, gạo tạm trữ vụ Đông Xuân 2018-2019, tại Long An có nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia thu mua và giá lúa, gạo có tăng lên so với đầu vụ nhưng không nhiều. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, có 44 DN tham gia mua tạm trữ trên 185.000 tấn lúa.

Nông dân xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa trúng mùa, được giá vì liên kết sản xuất

Nông dân xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa trúng mùa, được giá vì liên kết sản xuất

Cùng vào cuộc

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân là vụ chính trong năm, theo đó, toàn tỉnh gieo sạ 230.806ha, dự kiến tổng sản lượng đạt 1,42 triệu tấn.

Năm nay, khi lúa Đông Xuân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào chính vụ, giá lúa giảm, nông dân (ND) lãi không nhiều. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc thu mua tạm trữ lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giảm nguồn cung tạm thời trên thị trường, bảo đảm lợi nhuận cho ND. Theo đó, nhiều chính sách hỗ trợ DN kinh doanh lúa, gạo được nhanh chóng thực hiện. Tại Long An, các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Long An có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện nhằm gỡ khó về nguồn tài chính, giúp DN thu mua tạm trữ phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu. Giám đốc NHNH Chi nhánh tỉnh Long An - Đào Văn Nghiệp thông tin: “NHNN Chi nhánh tỉnh có Văn bản số 182/LAN-THNS&KSNB, ngày 06/3/2019 chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương triển khai thực hiện và cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của DN thu mua lúa, gạo. Đồng thời, thực hiện việc kết nối ngân hàng - DN, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của từng DN và kịp thời có giải pháp cụ thể tháo gỡ. Đến ngày 15/3, tại tỉnh có 44 DN được giải ngân với số lượng thu mua 185.465 tấn lúa, dư nợ 1.151 tỉ đồng thu mua lúa, gạo vụ Đông Xuân 2018-2019”.

Lãi suất cho vay thu mua lúa, gạo tạm trữ vụ Đông Xuân thuộc lĩnh vực ưu tiên, phổ biến là 6-6,5%/năm. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay lãi suất 6%/năm theo Văn bản số 1289/NHNN-TD. Lãi suất này thấp hơn lãi suất cho vay thông thường do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung - cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ

Nếu như những ngày đầu vụ Đông Xuân, thị trường tiêu thụ lúa, gạo khó khăn thì sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thu mua tạm trữ lúa, gạo, giá thu mua lúa tươi tại ruộng có “nhích” lên. Việc thu mua tạm trữ dù không trực tiếp nhưng ít nhiều mang lại lợi ích cho ND và bảo đảm ND có lãi.

Những ngày này, ND ấp 3, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, đang hối hả thu hoạch dứt điểm vụ Đông Xuân. Anh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Gia đình tôi gieo sạ 3ha nếp thơm Thái. Khi thu hoạch, nếp tươi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa hỗ trợ liên kết với DN trong bao tiêu sản phẩm nên giá bán ra được 5.700 đồng/kg. Ngoài việc hỗ trợ đầu ra, trung tâm còn hỗ trợ về giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật thông qua việc sử phân bón hợp lý, sản xuất theo hướng an toàn nên chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận tăng. Được bao tiêu sản phẩm, sản xuất có lãi là điều mong muốn lớn nhất của nhà nông”.

Nông dân xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa trúng mùa, được giá vì liên kết sản xuất

Nông dân xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa trúng mùa, được giá vì liên kết sản xuất

Gần cánh đồng lúa của anh Thanh Tuấn đang thu hoạch là cảnh nhộn nhịp cân lúa bán cho DN của gia đình ông Lê Văn Khá. Ông Khá chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2018-2019, tôi sản xuất 5,5ha giống nếp thơm Thái theo hướng an toàn và được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa giới thiệu DN thu mua. Năm nay, do áp dụng đúng kỹ thuật được chuyển giao từ trung tâm, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Cái lợi lớn nhất của ND trong việc tham gia sản xuất theo hướng an toàn cũng như được DN bao tiêu sản phẩm là không phải lo lắng chuyện giá cả hay tìm thương lái thu mua”. Theo ông Khá, những ngày đầu vụ Đông Xuân, với giống nếp thơm Thái, ND không tham gia liên kết với DN khi bán lúa tươi chỉ được 5.400 đồng/kg. Như vậy, ông cũng như nhiều ND thực hiện liên kết bán với giá cao hơn 300 đồng/kg. Với giá lúa được bao tiêu, ông Khá đạt lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Được thành lập hơn 1 năm nay, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa) sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGap và liên kết với DN bao tiêu sản phẩm. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lạc - Trần Văn Ngấm phấn khởi: “Vụ Đông Xuân này, HTX có hơn 24ha lúa sản xuất giống ST24 và được một DN tại Bến Lức hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật theo hướng an toàn. Thời điểm này, lúa đang chín vàng và chờ thu hoạch. Qua đánh giá của DN và ND, bình quân năng suất đạt trên 9 tấn/ha”.

Hiện tại, giá lúa ST24 bên ngoài thị trường giảm mạnh, thương lái chỉ thu mua từ 6.500-6.800 đồng/kg thì với hình thức liên kết này, các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lạc được DN bao tiêu với giá 7.500 đồng/kg, lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng/ha. ND rất phấn khởi. Điều này càng khẳng định, để không còn cảnh ND ngồi chờ được “giải cứu” lúa thì không thể tiếp tục sản xuất cá thể theo kiểu mạnh ai nấy làm mà phải cùng hợp tác một cách tự nguyện - liên kết giữa ND với ND, giữa ND với DN.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa - Võ Thu Mộng cho biết, vụ Đông Xuân này, toàn huyện gieo sạ gần 21.000ha lúa, trong đó có 2.000ha thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc sản xuất lúa theo hướng an toàn. Những năm trước, với 2.000ha ứng dụng công nghệ cao được 3-4 DN thực hiện liên kết và bao tiêu thì năm nay, số lượng DN tham gia nhiều hơn nhưng diện tích nhỏ, lẻ và chỉ đạt 40% diện tích so với những năm trước. Để tránh thiệt thòi cho ND, trung tâm kết nối với nhiều DN nhỏ cũng như thương buôn (thực hiện sản xuất tiêu thụ nội địa) thu mua lúa cho ND với giá cao hơn giá thị trường từ 200-400 đồng/kg. Tuy vậy, bà Thu Mộng cho rằng, hướng đi này chưa thực sự bền vững.

Nông dân phấn khởi vì trúng mùa, được giá

Nông dân phấn khởi vì trúng mùa, được giá

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, hiện nay, tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu ngày càng siết chặt hơn, quy định về những rào cản kỹ thuật, thuế quan,... Trong đó, thị trường Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ hơn nên sản lượng DN xuất khẩu theo đường tiểu ngạch giảm. Một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ lúa, gạo là ND phải nắm bắt rõ quy định về chất lượng gạo, danh mục, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất để đồng hành với DN xuất khẩu gạo liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Từ đó, từng bước tạo thành một khối liên kết sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh những giải pháp căn cơ, một thực tế đang diễn ra là từng tổ hợp tác, HTX ở nhiều địa phương bắt tay cùng DN nhỏ thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng an toàn. Có như vậy, ND vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, vừa giảm được chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết