Tiếng Việt | English

12/11/2015 - 13:52

Long An

Liên kết sản xuất - nông nghiệp phát triển bền vững

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp mang tính riêng lẻ, manh mún khá phổ biến. Chính nông dân đánh giá là không bền vững, dễ tổn thương. Câu chuyện liên minh, hợp tác sản xuất trong nông nghiệp thực sự được nông dân lẫn doanh nghiệp (DN) quan tâm. Tại Long An, tuy hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa ở diện rộng nhưng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và đang được nhân rộng với sự bắt tay của các bên liên quan.


Năm 2015, diện tích lúa trong cánh đồng lớn trên 28.500 ha    Ảnh: Lê Đức

Hiệu quả liên kết sản xuất

Năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 2.500 tổ hợp tác (THT) và 106 hợp tác xã (HTX) hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực cung ứng vật tư sản xuất nông nghiệp. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Lê Văn Hoàng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức liên kết ngày càng nâng lên, nhiều mô hình làm tốt việc phục vụ kinh tế thành viên, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Thời gian qua, việc liên kết sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới.

Long An là một trong những địa phương có sản lượng lúa cao. Năm 2015, sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 2,9 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu dự trữ lương thực, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. “Cánh đồng lớn” được xem là bước khởi đầu cho một mô hình lớn của ngành nông nghiệp trong xu thế hội nhập hiện nay. Trong năm 2015, mô hình này ước thực hiện được trên 28.550ha, tăng hơn 11.000ha so với năm 2014 và vượt kế hoạch hơn 8.550ha. Hầu hết nông dân tham gia “Cánh đồng lớn” đều có chung nhận xét, hiệu quả kinh tế trên mỗi hécta cao hơn từ 3-5 triệu đồng so với ngoài mô hình, do giảm chi phí sản xuất, được bao tiêu sản phẩm và giá bán cao hơn.


Năm 2015, sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 2,9 triệu tấn

Đến thời điểm này, THT Sản xuất lúa do ông Nguyễn Thanh Xuân (ấp 3, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) làm Tổ trưởng có 9 lần hợp tác sản xuất lúa với Cty TNHH Lương thực thực phẩm Long An. Hiện nay, THT này có 100 hộ ở ấp 2 và ấp 3, sản xuất trên diện tích 200ha.

Nói về việc ký kết hợp tác sản xuất, ông Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, đây là cơ hội tốt, mở ra "một trang mới" trong việc trồng lúa của người dân. Bởi theo ông, trước đây, nông dân tự do sản xuất lúa nhưng mỗi đợt thu hoạch thì gặp khó khăn về đầu ra lẫn giá cả. Bây giờ, mỗi đầu vụ, Cty TNHH Lương thực thực phẩm Long An đưa ra cơ cấu giống cũng như giá thu mua. Nhiệm vụ của nông dân là liên kết lại, tổ chức sản xuất đồng loạt theo đơn đặt hàng của DN. 

Doanh nghiệp và nông dân cùng bắt tay

Giám đốc Cty TNHH Lương thực thực phẩm Long An - Đặng Thị Liên cho biết, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bất kỳ DN nào cũng mong muốn phát triển bền vững và có nguồn hàng hóa ổn định cung cấp cho khách hàng. Hiện nay, Cty liên kết cùng các đơn vị khác đưa ra cơ cấu giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Ban đầu, việc liên kết chỉ diễn ra ở hơn 100ha tại xã Thạnh An, đến nay, diện tích tăng lên gần 600ha tại xã Thạnh An, Tân Tây, Thủy Đông, Tân Đông của huyện Thạnh Hóa. Từ khi ký kết hợp tác với nông dân, Cty có vùng nguyên liệu với số lượng và chất lượng ổn định. Từ đó, DN có kế hoạch kinh doanh phù hợp; chủ động đàm phán và ký kết hợp đồng với khách hàng, hạn chế thấp nhất rủi ro trong kinh doanh.


Cần sự chung tay của Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng để ngành nông nghiệp phát triển bền vững

Bên cạnh “Cánh đồng lớn”, Long An còn xây dựng vùng chăn nuôi an toàn thông qua Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (Dự án Lifsap) tại 4 huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc (vùng GAHP). Vùng chăn nuôi này có 38 nhóm, gồm 718 hộ chăn nuôi heo và gà. Đến nay, trên 85% hộ chăn nuôi trong vùng được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Trên cơ sở đó, HTX do ông Võ Văn Ba, ngụ ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc làm Giám đốc với 45 thành viên được Cty TNHH San Hà bao tiêu sản phẩm. Theo ông Võ Văn Ba, mỗi tháng, HTX cung cấp cho Cty 100.000 con gà (gà thịt), sau khi trừ chi phí, cứ 1.000 con gà, xã viên lãi 20-30 triệu đồng tùy theo thời điểm.


Chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm đang cần sự chung tay của nhà khoa học, ngân hàng để phát triển bền vững hơn

Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó

Theo đại diện lãnh đạo Cty Lương thực Long An, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay vẫn còn khá nhiều khó khăn, trong đó có quá nhiều giống lúa. Những giống lúa được thị trường chấp nhận thì nhanh chóng bị thoái hóa, chưa được phục tráng.

Đồng quan điểm của Cty Lương thực Long An, đại diện lãnh đạo DNTN Công Bình cho rằng, hiện nay, DN cần các nhà khoa học hỗ trợ về giống nhằm xây dựng được thương hiệu riêng cho gạo Việt Nam trên thị trường nước ngoài. Ngoài ra, khi thực hiện cánh đồng lớn, DN phải tạm ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm lúa của nông dân. Vì vậy, cần nguồn vốn khá lớn nhưng hầu như chưa có DN nào kinh doanh lúa, gạo được ưu đãi theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Liên kết để sản xuất bền vững, đó là nhu cầu tất yếu của nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa lớn. Các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ hiện nay bước đầu thành công. Tuy nhiên, để liên kết bền vững hơn, DN và nhà nông đang cần sự chung tay, góp sức và hỗ trợ khác từ các bên như ngân hàng, nhà khoa học để họ đủ lực liên kết, phát triển bền vững, góp phần thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết