Tiếng Việt | English

26/04/2018 - 11:17

Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản: Sản xuất theo nhu cầu thị trường

Chương trình kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản giữa Long An - TP.HCM được đánh giá có sức lan tỏa, có nhiều hợp đồng cung ứng hàng hóa tạo ra chuỗi giá trị gia tăng. Tuy vậy, hình thức liên kết còn nhiều hạn chế, bởi các mối liên kết chưa hài hòa.

Lãnh đạo tỉnh tham gia kết nối giao thương nông sản với TP.HCM tại huyện Cần Giuộc năm 2016

Lãnh đạo tỉnh tham gia kết nối giao thương nông sản với TP.HCM tại huyện Cần Giuộc năm 2016

Lưu thông hàng hóa

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức nhận xét: Những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá. Nhiều cây trồng và giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất theo vùng tập trung như thanh long, chanh, rau ăn lá, lúa,... tạo ra khối lượng lớn sản phẩm. Nông sản trong tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và liên kết tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối tại TP.HCM, các tỉnh lân cận thông qua công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa.

Đến tháng 3/2018, trên địa bàn tỉnh có 103 hợp đồng cung ứng hàng hóa được ký kết giữa các DN, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất với DN tại TP.HCM, các tỉnh lân cận. Ngoài ra, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) còn hỗ trợ DN, HTX tham gia chợ phiên nông sản an toàn tại TP.HCM để tìm kiếm thị trường, tiêu thụ hàng hóa.

Điển hình như HTX TMDV Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) có 60 xã viên, vùng nguyên liệu trồng rau lớn. Giám đốc HTX TMDV Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng phấn khởi: “Được tham gia nhiều cuộc xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại TP.HCM, hiện đầu ra rau an toàn của HTX ổn định. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp từ 5-7 tấn rau đến các DN tại TP.HCM. Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng cung cấp rau an toàn đến 30 bếp ăn tập thể ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Nhờ vậy, thu nhập của xã viên tăng rõ rệt”.

HTX Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) hiện có 41 xã viên, sản xuất bình quân hàng năm 280-350 tấn rau ăn lá. Giám đốc HTX Phước Hòa - Kiều Anh Dũng thông tin: “Bình quân mỗi ngày, HTX tiêu thụ từ 800- 1.000kg rau đến Satra, bếp ăn tập thể, điểm bán rau an toàn tại TP.Tân An, huyện Thạnh Hóa,...”.

Liên kết chưa như mong muốn

Trong buổi kết nối giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vào cuối năm 2017, đại diện Satra cho rằng: “Trong thời kỳ kinh tế thị trường, HTX phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. Trong khi đó, hiện nay, nhiều HTX chưa thực hiện được các yêu cầu này. Nhiều HTX thường xảy ra tình trạng ngưng cung cấp hàng hóa vì không chủ động nguồn cung. Đối với trường hợp này, DN buộc phải hủy hợp đồng, tìm nguồn cung ứng bền vững hơn”. Thực trạng này có diễn ra ở các HTX ở Long An. Số lượng HTX nhiều nhưng chủ yếu cung cấp dịch vụ nông nghiệp, HTX có liên kết, hợp đồng và đầu ra ổn định với DN đầu mối không nhiều.

Toàn huyện Cần Giuộc có trên 1.800ha chuyên canh rau, chủ yếu là rau ăn lá (65%), rau gia vị (25%), rau ăn quả (10%), năng suất đạt từ 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 125.000 tấn/năm; 22 tổ sản xuất rau an toàn và 6 HTX, 1 liên hiệp HTX với 739 nông dân tham gia. Đến nay, huyện có 341ha sản xuất rau an toàn, 3 HTX: Phước Hiệp, Phước Thịnh, Tân Vạn Hưng được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn băn khoăn: “Nhiều vùng chuyên canh được hình thành nhưng tổ chức sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ, lẻ, phân tán. Bước đầu thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ hiệu quả nhưng còn nhiều khó khăn do nông dân chưa triệt để thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn, chưa sản xuất theo hướng hàng hóa, còn sản xuất theo những gì mình có”.

Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương - Châu Thị Lệ chia sẻ: “Vừa qua, Sở Công Thương có chuyến khảo sát, tìm hiểu về thuận lợi, khó khăn của các HTX ở một vài địa phương. Qua khảo sát, chúng tôi thấy sự liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện còn nhiều lúng túng, khó khăn. Điển hình, có DN đồng ý thu mua rau an toàn từ HTX nhưng với điều kiện cung cấp nhiều chủng loại rau, củ, quả cho bếp ăn tập thể. Nhưng HTX này chỉ đáp ứng được một vài chủng loại rau an toàn, củ. Trong khi đó, nhiều loại rau, củ mà DN yêu cầu trên địa bàn tỉnh đều có sản xuất tại các HTX. Điều này cho thấy, ngoài liên kết với DN, giữa các HTX trong tỉnh thiếu sự liên kết ngang để tạo ra sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, khách hàng”.

Ngoài ra, nhiều HTX còn gặp khó về nhân sự, tổ chức quản lý, thiếu vốn hoạt động nên chưa có nhà kho, nhà sơ chế, không đủ điều kiện cung cấp đến DN tiêu thụ, phải qua trung gian,...

Phong phú hình thức liên kết

Ông Lê Minh Đức nhấn mạnh: Mặc dù người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng đầu ra còn hạn chế. Nguyên nhân các HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh thiếu vốn và chưa thống nhất về các điều kiện, mức giá do các DN đề ra. Có một số hợp đồng nguyên tắc được ký kết với các nhà phân phối lớn trong các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, nhưng khi triển khai, thực hiện các hợp đồng kinh tế chính thức gặp khó khăn do không thống nhất được mức chiết khấu, giá hàng hóa, thời gian giao, nhận hàng và phương thức thanh toán tiền.

Cụ thể, năm 2016, 2017, tỉnh tổ chức 5 lần kết nối cung - cầu với DN TP.HCM, ký kết được 98 ghi nhớ nhưng HTX, cơ sở sản xuất chỉ triển khai, thực hiện được 41 hợp đồng.

Nông sản Long An sản xuất tham gia Hội nghị kết nối giao thương tại TP.HCM

Nông sản Long An sản xuất tham gia Hội nghị kết nối giao thương tại TP.HCM

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, những khó khăn trong liên kết tiêu thụ nông sản đã rõ. Để cây rau phát triển bền vững, huyện sẽ xây dựng nghị quyết chuyên đề về rau an toàn và khuyến khích nông dân thực hiện. Hiện, huyện tiếp tục tập trung phát động sản xuất rau an toàn, sản phẩm có thương hiệu để cung cấp theo hợp đồng.

Mặc dù người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng đầu ra sản phẩm còn hạn chế. Nguyên nhân các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh thiếu vốn và chưa thống nhất về các điều kiện, mức giá do các doanh nghiệp đề ra”.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức

Ông Lê Minh Đức cho biết thêm, năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục triển khai, mở rộng ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn, nhất là với TP.HCM. Một giải pháp khác được tính là thực hiện tốt công tác liên kết giữa người sản xuất, DN phân phối hàng hóa với các ngân hàng tại địa phương. Sở Công Thương phối hợp Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế và các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, DN trên địa bàn tỉnh xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh vào các bếp ăn tập thể. Điều này góp phần tiêu thụ hàng hóa, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của người lao động tại các khu, cụm công nghiệp./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết