Tiếng Việt | English

10/01/2017 - 10:07

Lo không đủ nguồn lực nếu lập nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 9/1, thảo luận dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ mục đích ban hành luật này nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển đội ngũ doanh nghiệp VN, đặc biệt là thúc đẩy khởi nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV - Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến băn khoăn về việc thành lập quá nhiều loại quỹ và nhiều chương trình hỗ trợ sẽ dẫn đến tình trạng luật thiếu khả thi.

Theo dự thảo luật, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV. Dự thảo luật quy định về 3 quỹ, trong đó có 2 quỹ đã được thành lập và đang hoạt động là quỹ phát triển DNNVV (thành lập từ năm 2013), quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (đang hoạt động tại các tỉnh, TP).

Dự luật quy định mới về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. “Đây là quỹ mới, quy định mang tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý để các UBND tỉnh, TP có nhu cầu và khả năng cân đối được ngân sách có thể thành lập hoặc tham gia thành lập để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

Đồng thời, để thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ DNNVV, dự thảo tạo hành lang pháp lý khuyến khích khu vực tư nhân góp vốn hợp pháp thành lập quỹ này để đầu tư, tài trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo” - dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội viết.

Nhà nước có đủ 
nguồn lực để hỗ trợ?

“DNNVV chiếm 97% tổng số doanh nghiệp ở VN, với những quy định như vậy thì chúng ta có đủ nguồn lực để hỗ trợ không?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn. Trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng không nên thành lập nhiều loại quỹ, bởi sẽ phân tán nguồn lực và khó khả thi.

Cần tập trung vào một số lĩnh vực đang khó khăn nhất, ví dụ hiện nay DNNVV đang thiếu mặt bằng thì tập trung hỗ trợ việc này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị phải chia thành các loại DNNVV khác nhau để có chính sách hỗ trợ khác nhau cho phù hợp, ví dụ như mở một quán cà phê bình thường khác với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) đột phá về khoa học công nghệ.

Dự thảo luật được trả lại để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện, trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến trong thời gian tới./.

Lê Kiên/tuoitre online

Chia sẻ bài viết