Tiếng Việt | English

16/09/2020 - 09:24

Lò rèn Kế Mỹ hôm nay

Ấp Kế Mỹ, xã Trường Bình trước đây (nay là ấp Kế Mỹ, xã Mỹ Lộc và khu phố Hòa Thuận 2, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) từng nổi tiếng với nghề rèn. Ở đó, một thời người người, nhà nhà thổi lửa, rèn sắt. Nghề được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Dao là sản phẩm duy nhất ở Kế Mỹ vẫn phải làm theo truyền thống, cần đến những người thợ lành nghề

Dao là sản phẩm duy nhất ở Kế Mỹ vẫn phải làm theo truyền thống, cần đến những người thợ lành nghề
Trưởng ấp Kế Mỹ, xã Mỹ Lộc - Bùi Văn Thắng kể: “Xưa người ta làm nghề rèn cực lắm, phải thổi lửa lò bằng bệ thụt (một chiếc ghế cao đặt hai cái ống nhôm dài dựng đứng, trong có chứa hai cây pít-tông, phía dưới có ống thông hơi nối với bếp than. Người ngồi trên chiếc ghế cao hai tay liên tục kéo lên/thụt xuống tạo thành hơi để thổi bừng ngọn lửa trong lò than - pv), cực khổ, gian nan lắm! Nhưng hồi đó, khu này nhiều người theo nghề. Bây giờ thì không còn nhiều, khoảng trên dưới 20 hộ thôi”.

Giữ nghề vì… muốn giữ

Nằm nghỉ mát trên chiếc võng giữa nhà, ông Chín Hí - Biện Văn Dân (khu phố Hòa Thuận 2, thị trấn Cần Giuộc) có vẻ thư thả lắm. Bếp lò rèn nhà ông nguội lửa tự bao giờ. Lò rèn Chín Hí từng một thời có tiếng ở Kế Mỹ năm xưa, nay lại nằm im chờ từng đơn hàng lẻ. Ông Chín kể, từ thời ông nội đến cha, chú bác và anh em nhà ông ai cũng biết và theo nghề rèn. Nhưng trụ lại tới bây giờ chỉ có mình ông.

“Rèn được một cái dao vừa bén, vừa đẹp, nhìn ưng cái bụng là tự mình thấy khoái” - ông Chín Hí bộc bạch

“Rèn được một cái dao vừa bén, vừa đẹp, nhìn ưng cái bụng là tự mình thấy khoái” - ông Chín Hí bộc bạch

Nghề rèn dao, mác từng giúp ông nuôi các con học hành tới nơi, tới chốn. Thời còn đông khách đặt hàng, ông thuê cả nhân công làm theo tháng cho mình. Mỗi ngày, lò rèn của ông cho ra lò 20-30 cây dao là chuyện thường tình. Nhưng việc làm ăn có vẻ càng lúc càng khó khăn, mấy tháng trở lại đây, hầu như ông không nhận được bất cứ đơn hàng nào. Bếp chưa một lần ấm lại, nhưng ông vẫn giữ lệ cúng Tổ nghề. Bởi, ông không nỡ bỏ.

Ông Chín nói: “Tui khoái cái nghề này. Rèn được một cái dao vừa bén, vừa đẹp, nhìn ưng cái bụng là tự mình thấy khoái. Bây giờ không có nhiều người đặt hàng nữa nhưng cũng lai rai đủ sống. Với tui vậy là được rồi, chứ tui không bỏ nghề”. Người đàn ông xấp xỉ 60 tuổi khẳng định một câu chắc nịch.

Nói rồi, ông đưa khách ra lò rèn của mình. Gọi là lò rèn, thực ra đó chỉ là căn chòi nhỏ với bếp lò than, ngổn ngang đe, búa, phôi sắt,… Để chúng tôi hình dung rõ, ông với tay nhóm bếp, rồi giảng giải: “Muốn rèn dao thì sắt phải được nung cho nóng đỏ trong lò than sau đó mới đem ra cắt, ghè thành con dao. Cái này phải thợ chính, khéo tay mới làm được à nghen! Xong con dao rồi thì “đóng mộc” lên cho người ta biết là của lò rèn nhà mình. Dao tui làm bảo đảm là phải đẹp và bén ngót”.

Ông Chín Hí là một trong số ít những người còn bám trụ với nghề rèn theo hướng thủ công. Đa số thợ rèn Kế Mỹ đã tìm kế sinh nhai khác vì những khắc nghiệt của thị trường. Còn ông Chín giữ nghề đơn giản vì... muốn giữ và không quá đặt nặng “cơm áo gạo tiền” lên cái nghề đã theo ông suốt cả cuộc đời.

Các sản phẩm từ cuốc, xẻng đến búa, liềm,… đều có máy dập mẫu sẵn, không cần “làm nóng” như trước nữa

Các sản phẩm từ cuốc, xẻng đến búa, liềm,… đều có máy dập mẫu sẵn, không cần “làm nóng” như trước nữa

Còn nghề, vắng tiếng búa, đe

Nếu muốn sống được với nghề rèn thì người làm nghề phải thay đổi và nắm bắt thị trường một cách nhanh nhạy nhất. Việc nổi lửa “ghè đồ” không còn là khâu quan trọng hàng đầu trong nghề rèn ngày nay nữa. Những lò rèn lớn đã có sẵn máy móc để “làm nguội” các sản phẩm từ cuốc, xẻng đến búa, liềm,… duy chỉ có dao là vẫn phải làm theo truyền thống. Anh Phan Văn Thật - chủ lò rèn tại ấp Kế Mỹ, xã Mỹ Lộc, cho biết: “Bây giờ, hầu như sản phẩm nào cũng có máy dập mẫu sẵn, chỉ có dao là chưa có nên phải “làm nóng”, cần thợ lành nghề. Còn lại những sản phẩm khác, đa phần do máy móc hỗ trợ nên chỉ cần chăm chỉ học hỏi một chút là có thể làm được”.

Lò rèn nhà anh Thật là một trong những lò rèn lớn của Kế Mỹ hiện nay với nhiều loại máy móc khác nhau: Máy cắt, máy dập, máy đập, máy hàn,… Ở đó, có 3 nhân công làm việc liên tục để phục vụ các đơn hàng ở khắp nơi gửi tới, từ trong đến ngoài tỉnh. Tại lò rèn của anh, đơn hàng cứ đến xoay vần, người thợ không khi nào ngơi việc. Cuộc sống của người làm nghề như anh Thật được bảo đảm. Không chỉ rèn, anh còn sản xuất và mua bán máy phục vụ nghề rèn.

Tuy vậy, làm nghề theo quy mô lớn cũng có không ít khó khăn. Chia sẻ về việc kinh doanh của gia đình, anh Thật nói: “Bây giờ làm chủ yếu là mối cũ với hàng bỏ tại các chợ thôi. Tìm được mối mới đặt hàng không hề dễ chút nào. Muốn sản xuất được nhiều thì phải đầu tư máy móc, cố gắng tiết kiệm chi phí mới có thể sống nổi với nghề. Đầu tư máy móc đâu có rẻ!”. Được biết, mặc dù là một trong những lò rèn lớn trong vùng nhưng nhà anh Thật vẫn chưa có máy đốt lò bằng điện để giảm thiểu sử dụng than, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Nguyên nhân chính vẫn là vấn đề kinh phí và giá điện. Theo ông Thắng, mong muốn có điều kiện mua sắm máy móc, đầu tư để phát triển lò rèn là ước ao chung của những hộ làm nghề rèn của Kế Mỹ ngày nay. Bởi, nếu làm theo hướng truyền thống thì không mang lại hiệu quả kinh tế, mà muốn đầu tư máy móc thì phải có tiền.

Nghề rèn Kế Mỹ vẫn còn hoạt động nhưng những bếp lửa đỏ au và tiếng búa, đe thì không còn mấy nữa. Theo xu thế của thị trường, điều đó có lẽ sẽ lùi dần vào quá khứ./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết