Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 22:05

Lo tết cho dân

Họ là những người noi theo gương Bác, không ngại khó, ngại khổ để chăm lo đời sống, mang tết đến với người dân.

 1. Ở độ tuổi lục tuần với mái tóc lấm tấm bạc, sức khỏe lại giảm sút trong một lần phẫu thuật cột sống, ấy vậy mà, ông Nguyễn Phát Lợi - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vẫn miệt mài “đồng hành” cùng những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Đang loay hoay dọn nhà chuẩn bị đón tết, bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ ấp 2, nói: “Nhà tình thương này là của chú sáu Lợi xin cho tui đó! Thấy thương lắm, dù đi lại bất tiện nhưng tấm lòng của chú đối với người nghèo, nhất là với trẻ em thật bao la! Chú sáu còn vận động tập, vở, xây cầu, làm đường giao thông nông thôn,...”.

Ông  Nguyễn Phát Lợi tặng quà cho học sinh nghèo

Ông Nguyễn Phát Lợi làm việc bằng cả cái tâm, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ. Ông sẵn sàng bỏ tiền xe, công sức để tạo mối quan hệ với nhà hảo tâm, những người quen biết nhằm vận động gây quỹ khuyến học, tặng quà tết cho người nghèo. 

Hơn 5 năm qua, ông vận động cấp phát học bổng, phương tiện đi lại và tập vở cho học sinh với số tiền 800 triệu đồng. Ông cùng người dân xây dựng cầu liên ấp, nhà tình thương, xây đình, giặm vá đường nông thôn,... trị giá trên 900 triệu đồng. Ông còn cùng chính quyền địa phương tham gia tuyên truyền, làm nhiều việc thiết thực như xây dựng đường giao thông nông thôn để hoàn thành các tiêu chí, đạt chuẩn xã nông thôn mới. 

Nói về việc mình làm, ông tươi cười: “Có đáng là bao so với những người khác. Tôi nghĩ, ở địa phương còn những người khó khăn, mảnh đời bất hạnh nếu giúp được thì cứ giúp!”. Nói rồi, ông vội vã đi giữa trưa nắng vì lỡ hẹn với một nhà sư để xin học bổng và quà tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. 

2. Gặp và tiếp xúc với ông Văn Công Trứ, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tôi thật sự ấn tượng với việc tự bỏ tiền túi để làm từ thiện của ông. 22 năm làm công tác chữ thập đỏ, điều ông vui nhất là làm được việc có ích cho dân. Khi thực hiện một công trình, ngoài tự bỏ tiền, ông còn cùng người dân lên phương án tính toán, “xắn tay” làm hăng say và nghiệm thu công trình. Vì vậy, những cây cầu hay đường giao thông nông thôn có sự chung tay, góp sức của ông đều bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Ông Văn Công Trứ (thứ 8, phải qua) nhận bằng khen về học tập và làm theo gương Bác

Ông Văn Công Trứ (thứ 8, phải qua) nhận bằng khen về học tập và làm theo gương Bác

Với những người có hoàn cảnh khó khăn, ông Trứ sẵn sàng nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ tiền hàng tháng đến khi họ vượt qua gian khó. Ông còn có một việc làm rất nhân đạo khác - lo hậu sự chu toàn cho những người khó khăn, cơ nhỡ khi qua đời. Ông chia sẻ: “Có lẽ, vì lý do đặc biệt nào đó mà người mất không được người thân chăm lo chu toàn nên tôi cùng mọi người giúp họ. Nghĩa tử là nghĩa tận mà!”. Tính đến thời điểm này, ông hỗ trợ hơn 300 trường hợp và chưa từng có ý định dừng lại. 

Ông còn bỏ kinh phí để tu sửa nơi làm việc Tổ thuốc Đông y của xã, tạo điều kiện hoạt động ổn định, phục vụ việc khám, phát thuốc miễn phí cho người dân địa phương. “Tôi giúp đỡ người khác trong điều kiện có thể. Có lẽ, tôi chỉ dừng lại khi không làm nổi nữa”. Vừa dứt lời, ông dẫn tôi đi xem một số vật liệu xây dựng vừa được ông mua về chuẩn bị tu sửa đình thần cho người dân kịp cúng tế trong dịp Tết Nguyên đán. 

3. Những ngày giáp tết, trời trở lạnh! Men theo con đường đất đỏ đến khu vực biên giới ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, không khó để hỏi thăm nhà chị Phạm Út Thủy - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp. 

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành tặng chị nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức được treo trang trọng trên tường. Qua câu chuyện chị kể, tôi biết được, trước khi làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, chị tham gia công tác phụ nữ. Tôi cảm nhận sự gần gũi, nhiệt tình và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ trong từng lời nói của chị.

Chị cho rằng, ở miền biên giới, điều kiện còn lắm khó khăn. Cuộc sống người dân còn chật vật, nhất là những Việt kiều Campuchia hồi hương. Do đó, làm việc gì, chị cũng nghĩ đến người dân. Chính sự xông xáo, chăm lo cho dân mà vừa qua, chị được tín nhiệm cao trong đợt bầu cử trưởng ấp. 

Chị Phạm Út Thủy (thứ hai, phải qua) cùng nhà hảo tâm tặng quà tết cho trẻ em khu vực biên giới

Chị Phạm Út Thủy (thứ hai, phải qua) cùng nhà hảo tâm tặng quà tết cho trẻ em khu vực biên giới

Chị nói: ‘‘Ngày xưa, đường sá nơi đây thường nắng bụi, mưa lầy. Bây giờ, người dân đỡ vất vả hơn nhiều. Một vài con đường trong ấp được chính quyền địa phương và tôi vận động mở rộng nên đi lại thuận tiện hơn. Muốn tuyên truyền, vận động, tôi phải đến từng nhà mới có thể thuyết phục người dân tham gia. Bây giờ, khó khăn nhất là những Việt kiều Campuchia hồi hương nên mỗi dịp tết đến, tôi lại vận động, tặng quà cho họ”.

Nghĩ là làm, chị tích cực vận động, “rủ rê” những người thân quen cùng chăm lo tết cho người dân địa phương. Thấu hiểu và chia sẻ trước tấm lòng của chị, nhiều nhóm từ thiện từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,... cùng tham gia. Họ chẳng ngại đường sá xa xôi, lặn lội mang những phần quà đến với người dân nghèo biên giới. Chị hớn hở “khoe” với tôi: “Dịp Tết Cổ truyền năm nay, có thêm một số mạnh thường quân mang quà tết về cho dân”. Chị Út Thủy xứng đáng là người “đỡ đầu” của người nghèo và những Việt kiều Campuchia trở về quê hương.

Bây giờ về Hưng Điền A, nhiều người sẽ bất ngờ trước sự đổi thay của xã vùng biên, trong đó có kết quả từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Đó là những con đường trải dài hoa mười giờ hay nhà nhà đều có cột cờ Tổ quốc, những hũ gạo tình thương, mô hình góp vốn xoay vòng với số tiền khá lớn,... Tất cả đều có công lao đóng góp của chị Út Thủy. 

Tết đang về trên khắp nẻo đường quê. Trong khi người người, nhà nhà lo sắm tết, những người “vác tù và hàng tổng” vẫn âm thầm, lặng lẽ “đi xin” từng phần quà để người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đón tết vui tươi đầm ấm./.

Khánh Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích