Tiếng Việt | English

03/04/2018 - 23:45

Loại trừ bệnh phong khỏi cộng đồng

Số lượng bệnh nhân (BN) mắc bệnh phong trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm. Hiện, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước loại trừ bệnh phong khỏi cộng đồng.

Bệnh phong có 2 giai đoạn: Giai đoạn sớm chỉ có những biểu hiện ngoài da. Nếu người bệnh được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn này sẽ khỏi hoàn toàn. Giai đoạn muộn có biến chứng, gắn liền với tổn thương dây thần kinh ngoại biên, thường gặp nhất là sự co rút các ngón tay, ngón chân, teo cơ, đi lết, loét giác mạc gây mù lòa,... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sức lao động của BN.

Làm tốt quản lý, chăm sóc bệnh nhân

Phong là bệnh gây nên do trực khuẩn Hansen, có tính chất kéo dài và lây nhiễm, biểu hiện toàn thân nhưng nổi bật và thường xuyên nhất là triệu chứng da và một số dây thần kinh. Bệnh phong theo cách gọi dân gian là bệnh cùi.

Trước đây, bệnh phong được xem là một trong tứ chứng nan y. Do BN đến khám thường ở giai đoạn muộn nên để lại nhiều di chứng tàn tật. Bệnh phong không gây tử vong nhưng hình ảnh của người bệnh làm cho nhiều người sợ hãi, kỳ thị và xa lánh. Những năm gần đây, nhờ quản lý, chăm sóc hiệu quả, điều trị sớm nên BN không bị các biến chứng tàn tật.

Hiện, ngành Y tế tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước loại trừ bệnh phong khỏi cộng đồng. Năm 2017, toàn tỉnh có 274 BN phong, chiếm 0,06% so với tổng số dân và chỉ phát hiện mới 1 trường hợp mắc bệnh phong.

 Đức Hòa là huyện có BN phong cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Toàn huyện hiện quản lý 58 BN phong, trong đó có 1 BN điều trị ngoại trú, các BN còn lại được theo dõi và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà. Còn huyện Cần Đước hiện có 15 BN phong được điều trị và cấp thuốc tại nhà.

Nhân viên y tế hỗ trợ giày nhằm giảm tối thiểu tàn tật cho bệnh nhân

Nhân viên y tế hỗ trợ giày nhằm giảm tối thiểu tàn tật cho bệnh nhân

Nhân viên phụ trách Chương trình chống phong (Trung tâm Y tế huyện Cần Đước) - Trần Văn Quân thông tin: “Phát hiện và điều trị kịp thời những cơn phản ứng phong sẽ giảm thiểu tối đa tàn tật mới và tàn tật nặng thêm. Vì vậy, địa phương quan tâm trang bị vật tư cho BN. Mỗi năm, huyện cấp 8 đôi giày và 2 kính đeo mắt cho BN nhằm giúp họ phòng tránh tàn tật”.

Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng nên tất nhiên phải lây nhưng được xếp vào nhóm bệnh khó lây, khó mắc và chữa khỏi. Bệnh phong khó lây vì số người mắc bệnh trong cộng đồng rất thấp. BN phong nếu đang điều trị thì vi trùng giảm đến mức tối thiểu và không thể lây. Còn khi tiếp xúc với BN phong chưa được điều trị thì an tâm vì cơ thể có miễn dịch hữu hiệu với bệnh phong. Ngày nay, BN phong được chẩn đoán sớm khi vừa có các biểu hiện ngoài da và điều trị kịp thời nên số ca mắc giảm dần theo từng năm.

Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - bác sĩ Lâm Minh Hiền chia sẻ: “Hiện, chúng tôi củng cố, duy trì mạng lưới và đẩy mạnh hoạt động phòng, chống tàn tật, đồng thời tổ chức các hoạt động: Truyền thông giáo dục sức khỏe; khám phát hiện, điều trị và quản lý bệnh tại nhà. Các hoạt động này nhằm duy trì và ổn định dịch tễ, tránh sự bùng phát trở lại của bệnh phong. Kiên trì tiếp cận, tạo nhiều kênh thông tin khác nhau để cộng đồng hiểu và không xem bệnh phong là một trong tứ chứng nan y là việc làm cần thiết nhằm tránh sự kỳ thị của cộng đồng, mặc cảm của BN cũng như kịp thời phát hiện BN phong mới”.

Chung tay đẩy lùi bệnh phong

Với mục tiêu tiến tới loại trừ bệnh phong khỏi cộng đồng, ngoài ổn định đội ngũ thực hiện chương trình chống phong, sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, ban, ngành, đoàn thể địa phương, tổ chức xã hội - từ thiện là rất quan trọng, giúp công tác phòng, chống phong đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững. Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, xây nhà tình thương, tạo điều kiện về việc làm, giúp đỡ con em BN phong nghèo được đi học,... là những giải pháp thiết thực mà ngành Y tế mong muốn được sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Ngoài ra, sự quan tâm, hỗ trợ của những người làm công tác phòng, chống bệnh phong tiếp thêm động lực cho BN điều trị. Đối với BN sau khi điều trị và không dùng thuốc, nhân viên y tế giám sát từ 3-5 năm nhằm phát hiện sớm những trường hợp phản ứng phong, tái phát bệnh và tàn tật mới. Khi hoàn thành giám sát, BN không tàn tật sẽ tái hòa nhập cộng đồng; còn ngược lại, sẽ được nhân viên y tế theo dõi và chăm sóc suốt đời. Ông Nguyễn Thế Ron, ngụ ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Sau một năm tuân thủ phác đồ điều trị, hiện nay, tôi ngưng dùng thuốc. Nhân viên y tế thường xuyên đến thăm hỏi và cấp giày để giảm tàn tật”.

Theo bác sĩ Lâm Minh Hiền, dự án phòng, chống bệnh phong được triển khai tại Long An từ năm 1992. Năm 2011, Long An được công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô tuyến tỉnh. Hiện, ngành xây dựng các kế hoạch tiến tới loại trừ bệnh phong ở quy mô tuyến huyện với 4 hoạt động chính: Quản lý, chăm sóc người bệnh; quản lý, chăm sóc người tàn tật do bệnh phong (chương trình phòng, chống tàn tật do bệnh phong gây ra); phục hồi kinh tế, xã hội cho BN phong và truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh phong.

Để loại trừ bệnh phong trong cộng đồng, ngoài các hoạt động tích cực của ngành Y tế, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Mọi người không nên xa lánh, kỳ thị mà hãy chung tay giúp đỡ, hỗ trợ BN phong./.

"Vi khuẩn bệnh phong xâm  nhập chủ yếu qua da bị xây xát, thải qua thương tổn ở mũi, họng ở giai đoạn muộn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 2-3 năm, chưa xác định được chính xác. Triệu chứng sớm khó phân biệt với một số bệnh khác như sốt nhẹ, buồn ngủ, cảm giác vướng màng nhện. Thời kỳ toàn phát xuất hiện các triệu chứng: Ngoài da, thần kinh, cơ, rối loạn dinh dưỡng, loạn chứng bài tiết, phủ tạng và ngũ quan”.

Bác sĩ Lâm Minh Hiền

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết