Tiếng Việt | English

20/08/2018 - 19:48

Lợi Bình Nhơn: Nỗ lực về đích xã văn hóa

Tháng 5/2016, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hiện nay, ngoài nâng chất các tiêu chí (TC) nhằm giữ vững danh hiệu xã NTM, địa phương còn nỗ lực hoàn thiện 2 TC còn lại để được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa (VH) vào cuối năm 2018.

Nâng chất các tiêu chí            

Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn - Hồ Duy Tâm cho biết, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể nhằm giữ vững, nâng cao chất lượng các TC. Đối với nhóm TC liên quan đến cơ sở vật chất, xã tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp một số công trình phúc lợi xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hơn 2 năm qua, xã huy động hàng tỉ đồng đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng; mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường giao thông nông thôn: Phan Văn Tuấn, Nguyễn Tấn Chín, Nguyễn Đại Thời, Bùi Văn Bộn và tuyến đê bao Rạch Chanh - Rạch Gốc - Kênh Xáng,...

Từ độc canh cây lúa, đến nay, nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ độc canh cây lúa, đến nay, nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống

Đến nay, hầu hết tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bêtông hóa; đường trục ấp, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo quy định. Ông Dương Nghĩa Vui, ngụ ấp Bình An A, phấn khởi: “Bây giờ, địa phương có nhiều khởi sắc. Đường ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa. Hầu hết tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn”.

Xã tập trung nâng cao mức sống của người dân trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sản xuất gần 600ha lúa, nông dân còn chuyển đổi trên 100ha sang trồng rau màu, thanh long, chanh, sen và trồng cỏ, nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt trên 30 triệu đồng/năm; hộ nghèo theo TC mới còn dưới 3%.

Bà Võ Thị Bèo, ngụ ấp Cầu Tre, hiện có cuộc sống ổn định nhờ sản xuất lúa kết hợp trồng cỏ nuôi bò. “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tôi áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn nuôi gần chục con bò, trung bình mỗi năm xuất bán 2 con bò thịt, được gần 10 triệu đồng/con. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 50 triệu đồng từ trồng lúa và nuôi bò”.

Nỗ lực về đích xã văn hóa

Khi bắt tay vào xây dựng xã VH, Lợi Bình Nhơn gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông. Với nhận thức “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Nhờ đó, đến nay, xã hoàn thành 27/29 TC xã VH và nỗ lực được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2018 theo Nghị quyết Đảng ủy xã đề ra.

Đường trục ấp, xóm của xã Lợi Bình Nhơn được cứng hóa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn

2 TC chưa đạt là vệ sinh môi trường và tệ nạn xã hội. Một số hộ dân trong khu dân cư, khu đô thị chưa để rác đúng nơi quy định; tuyến Quốc lộ 62, đoạn đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc khu vực ấp Cầu Tre, còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi, gây mất vẻ mỹ quan. Tệ nạn xã hội, hoạt động mại dâm, ma túy trên địa bàn vẫn còn xảy ra.

Theo Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn - Hồ Duy Tâm, để được công nhận đạt chuẩn xã VH vào cuối năm 2018, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường; triển khai các giải pháp thu gom, xử lý chất thải; xây dựng lò đốt rác,... nhằm tạo môi trường sống trong lành. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn vận động người dân tham gia thực hiện tuyến đường văn minh đô thị; xây dựng cột cờ, trồng hoa, cây xanh trên một số đường giao thông nông thôn, tạo vẻ mỹ quan xanh, sạch, đẹp.

Về tệ nạn xã hội, chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, nâng chất phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường thực hiện mô hình chuyển hóa địa bàn phức tạp thành địa bàn an toàn về an ninh, trật tự. Đồng thời, hàng tháng, duy trì họp cụm các xã giáp ranh, bảo đảm công tác tuần tra vào ban đêm; triển khai, thực hiện hiệu quả mô hình camera giám sát an ninh, trật tự;... Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết