Tiếng Việt | English

17/09/2017 - 03:30

Long An: Anh hùng thời chiến, vững tiến thời bình

Kỷ niệm 50 năm Ngày Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17/9/1967 - 17/9/2017), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc phỏng vấn về danh hiệu vẻ vang này cũng như sự bứt phá vươn lên của Long An sau hơn 42 năm xây dựng, phát triển.

PV: Thưa ông, năm nay, tỉnh tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày Long An được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đây là dịp để Đảng bộ và nhân dân Long An ôn lại những thắng lợi làm nên tám chữ vàng; ông có thể khái quát về chặng đường lịch sử trên.

Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh: Long An là vùng đất có vị trí chiến lược và bề dày lịch sử. Với địa thế tự nhiên tiếp giáp trung tâm đô thị lớn của cả nước là Sài Gòn (nay là TP.HCM), có đường biên giới giáp Campuchia, có hệ thống giao thông thủy, bộ huyết mạch nối miền Đông với miền Tây Nam bộ. Nhân dân Long An giàu truyền thống yêu nước, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt các thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Nguyên Tổng Bí thư - Lê Khả Phiêu thăm và trồng cây lưu niệm bên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”

Khi thực dân Pháp mới xâm lược nước ta, đất Tân An - Chợ Lớn hội tụ các phong trào đấu tranh vũ trang lớn ở Nam kỳ. Trong Cách mạng Tháng Tám, nếu Chợ Lớn là nơi Xứ ủy họp quyết định ngày, giờ tổng khởi nghĩa thì Tân An là tỉnh tiên phong giành chính quyền ở Nam bộ; đồng thời, đây cũng là 2 trong 9 tỉnh nổ ra mạnh nhất trong Khởi nghĩa Nam kỳ.

Giai đoạn này, nhân dân Tân An - Chợ Lớn thực hiện xuất sắc đường lối kháng chiến của Đảng, đánh giặc trên các mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa; xây dựng, củng cố nhiều căn cứ địa: Đức Hòa, Vườn Thơm, Đông Thành, Đồng Tháp Mười,... bẻ gãy hàng trăm cuộc càn lớn nhỏ của giặc Pháp, bảo vệ vững chắc cơ quan Xứ ủy và lực lượng đầu não kháng chiến, phối hợp nhịp nhàng với chiến trường cả nước, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình trên một nửa đất nước.

Từ giữa năm 1954, đế quốc Mỹ can thiệp trực tiếp vào miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù Mỹ trực tiếp đưa vào miền Nam bao nhiêu vạn quân, dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” và phong trào thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động; với ý chí quyết tâm thắng Mỹ, Đảng bộ Long An phát động phong trào “Toàn dân đánh giặc”, ở nhiều nơi, bộ đội, du kích, nhân dân Long An cùng thi đua đạt các danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”; cả người già, trẻ em cùng tham gia đánh Mỹ.

Nhiều gia đình đêm thì đào hầm nuôi giấu cán bộ, ngày thì đi đấu tranh chính trị, ngăn các cuộc càn quét của địch; nhiều tập thể du kích vừa sản xuất, vừa rào làng chiến đấu, đánh địch bằng nhiều cách,...

Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, dân và quân Long An kiên cường bám trụ, bảo đảm nhiệm vụ chiến trường và giữ vững hành lang chiến lược. Với ý chí quyết tâm, phẩm chất trung dũng kiên cường, phát huy sức mạnh lòng yêu nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An làm nên nhiều chiến công oanh liệt trong giai đoạn chống chiến lược Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ của Mỹ - ngụy; ý nghĩa “Toàn dân đánh giặc” không chỉ là tập hợp quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích mà còn là sức mạnh của toàn dân - đó là một đặc điểm sâu sắc của Long An “Trung dũng kiên cường”.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng quân và dân Long An lá cờ ghi tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Kết tinh nên tám chữ vàng chói lọi ấy, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, trên địa bàn tỉnh có trên 30.200 liệt sĩ; hơn 4.900 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; khoảng 12.000 thương binh và hàng trăm tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng chục ngàn người là thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm bên tượng đài đêm 16/10/2016PV: Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước thống nhất; đặc biệt, qua hơn 30 năm đổi mới, KT-XH tỉnh nhà phát triển như thế nào, thưa ông?

Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh: Từ sau ngày thống nhất đất nước, Long An cùng cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện, hoàn cảnh mới với những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặc biệt là khủng hoảng KT-XH vào thập niên 80 của thế kỷ XX do hậu quả của chiến tranh, sự bao vây, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc và việc duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, với sự sáng tạo và đột phá của Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 1975-1985, nhất là vai trò của những người đứng đầu, quân và dân Long An tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề xã hội.

Từ tháng 10/1980, Long An đột phá thực hiện cơ chế “một giá”, góp phần cùng cả nước xóa cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; tiến quân khai mở Đồng Tháp Mười, biến vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả khu vực.

Trải qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (từ năm 1986 đến nay), Đảng bộ, dân và quân Long An không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,05%, vượt kế hoạch, riêng 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt mức khá là 8,81%; GRDP bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,03% (thời điểm cuối năm 2016).

Từ tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế của Long An đang chuyển dịch đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khu vực I hiện chiếm tỷ trọng 21,2%, khu vực II 45,4% và khu vực III trên 28%.

Tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; với trọng tâm là chọn 3 cây trồng (lúa, thanh long, rau), 1 vật nuôi (bò thịt) để xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Long An cũng đang nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với việc đầu tư 14 tuyến giao thông huyết mạch đồng bộ kết nối đến các khu, cụm công nghiệp với nhau, đặc biệt kết nối với các tuyến giao thông của TP.HCM và kết nối đến Cảng Quốc tế Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Song song đó, 3 công trình trọng điểm: Đường tỉnh 830 (đoạn Đức Hòa - Tân Tập); Đường Vành đai TP.Tân An; Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang đang được triển khai với quyết tâm sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình trước năm 2020, tạo sự chuyển biến rõ nét của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Bên cạnh đó, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội được duy trì, phát triển ổn định; quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường vững mạnh.

Những kết quả nổi bật ấy làm cho diện mạo tỉnh nhà thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, tạo nên một sức bật mới trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. Đó cũng là thành quả của 50 năm giữ vững và phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”; đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn; năng động, sáng tạo, đột phá đi đầu trong đổi mới, xây dựng và phát triển.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, năm 2017 và những năm tiếp theo, bên cạnh thời cơ, thuận lợi thì tình hình kinh tế thế giới, trong nước vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn; nhiệm vụ chính trị đặt ra với quyết tâm cao nhưng cũng rất nặng nề; song, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân Long An tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2017, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Phó Chủ tịch nước - Đặng Thị Ngọc Thịnh tham quan khu trưng bàyÔn lại truyền thống, chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu nặng đến các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta nguyện xứng đáng với sự hy sinh đó, tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” thành hào khí và quyết tâm chính trị, kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Hùng Dũng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết