Tiếng Việt | English

24/10/2019 - 17:49

Long An ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần vừa ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững và thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Lãnh đạo tỉnh Long An trao đổi cùng doanh nghiệp, thanh niên tại Chương trình Khởi sự doanh nghiệp năm 2017 do UBND tỉnh phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tổ chức

Mục tiêu cụ thể của đề án phấn đấu, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 1 doanh nghiệp/135 người dân, năm 2025 có 1 doanh nghiệp/105 người dân và đến năm 2030 có 1 doanh nghiệp/80 người dân; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP đến năm 2020 đạt khoảng 69%, năm 2025 khoảng 70%, đến năm 2030 khoảng 71 đến 72%.

Đối tượng và phạm vi được hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV theo Điều 6, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ và đoàn viên thanh niên khởi nghiệp; DNNVV thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh Long An; ưu tiên DNNVV do nữ làm chủ và DNNVV sử dụng lao động nữ, lao động khuyết tật.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là đối tượng được hỗ trợ trong đề án (ảnh chụp tại nhà máy Công ty Cổ phần chế tạo máy Long An, huyện Thủ Thừa)

Theo đề án, có nhiều nội dung và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp: Tiếp cận tín dụng; bảo lãnh tín dụng; mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường; công tác thuế, kế toán; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực.

Để triển khai thực hiện đề án này, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng phân công trách nhiệm cụ thể của từng sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh và yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp.

Đồng thời, Long An sẽ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tỉnh phát triển mạnh, bền vững cả về chất lượng và số lượng. Với đề án này, Long An mong muốn phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hiện nay, Long An là 1 trong 8 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, tiếp giáp với TP.HCM, là cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ. Trong những năm qua, kinh tế Long An có sự chuyển biến và tăng trưởng khá tích cực: Giai đoạn 2001 - 2005 tăng trưởng trung bình là 9,4%; giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng trung bình là 11,8%; giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng trung bình là 11,25%. Tốc độ tăng trưởng của Long An tăng đều trong các năm gần đây: Năm 2016 đạt 9,05%; năm 2017 đạt 9,53%; năm 2018 đạt 10,36%; trong 6 tháng đầu năm 2019 tốc độ tăng trưởng đạt 9,89%.

Theo đánh giá từ UBND tỉnh, phần lớn doanh nghiệp Long An là DNNVV, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế chưa đáp ứng được tình hình mới. Hoạt động khởi nghiệp còn mới mẻ, chưa có liên kết của các thành phần khác nhau để trở thành hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp.

Nhiều hoạt động khởi nghiệp thời gian qua chủ yếu chỉ là khơi gợi tinh thần khởi nghiệp thông qua việc tổ chức một số lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp,...; chưa có các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ,... chưa thực hiện được việc kết nối nhà tư vấn, nhà đầu tư, quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các tổ chức này còn sơ khởi, không có nhân sự chuyên trách, kinh phí và cơ sở vật chất hoạt động rất hạn chế; chưa có không gian làm việc chung cho cộng đồng khởi nghiệp; chưa có kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho bộ phận thiết kế, thử nghiệm,… Do đó, để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An cả về số lượng và chất lượng thì rất cần thiết phải ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết