Tiếng Việt | English

30/06/2020 - 16:30

Long An: Bảo đảm an toàn cho các hầm đất khai thác xong

Hiện nay, trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An còn khá nhiều hầm khai thác đất. Sau khi khai thác xong, đa số hầm đất đều ngập nước, điều này đặt ra vấn đề về an toàn về đuối nước vì các hầm thường khá sâu (có khi hơn 20m). Ngoài ra, nhiều hầm đất bỏ hoang khá lãng phí. Sau đợt giám sát của HĐND tỉnh phần nào giải tỏa được vấn đề trên. Số hầm đất được khai thác, sử dụng và áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng chống, cảnh báo đuối nước ngày càng nhiều hơn.

Thực trạng tại một số địa phương

Sau lũ lịch sử năm 2000, thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Long An đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư (C-TDC) vượt lũ. Đáp ứng nhu cầu san lắp mặt bằng C-TDC, tỉnh cho chủ trương vừa khai thác vừa làm thủ tục đối với các hầm đất. Tuy nhiên, sau khi khai thác đất san lắp mặt bằng xong, các chủ đầu tư không chú trọng việc làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định; trong thời gian dài, các hầm đất sau khai thác xong chưa được quản lý chặt chẽ và khai thác sử dụng hiệu quả, thậm chí xảy ra hiện tượng đuối nước.

Một hầm đất tại ấp 3, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa

Theo HĐND tỉnh Long An, qua thực tế khảo sát cho thấy, việc thu hồi và quản lý, sử dụng các hầm đất đã khai thác xong tiến độ còn chậm, có địa phương còn lúng túng trong thực hiện, khả năng đến ngày 30/9 không thể hoàn thành nhiệm vụ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn xung quanh (theo Quyết định 351/QĐ-UBND) nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Chị Trần Thị Ngọc Phượng, ở gần hầm đất khu vực ấp 3, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, thông tin: “Hầm đất này gần trường học, sát đường giao thông nông thôn, được khai thác đã lâu nay giao lại cho một chủ tư nhân quản lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy có người đến chài lưới, bắt cá, nhiều trẻ em đi ngang qua cũng xuống mò ốc”. Được biết, tại xã Mỹ An có khá nhiều hầm đất sau khai thác; tại hầm đất Bà Nhựa trước đây từng xảy ra 1 vụ đuối nước.

Tại một số nơi, khi giao hầm đất khai thác xong về UBND cấp xã quản lý có cho người dân thuê lại nhưng chủ yếu là khai thác thủy sản tự nhiên theo mùa, lấy nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ chứ chưa cho thuê lại qua hình thức đấu giá. Nguyên nhân do người dân không có nhu cầu thuê hoặc chính quyền địa phương chưa hướng dẫn đầy đủ và chậm triển khai thực hiện các thủ tục cho thuê theo quy định.

Cụ thể, qua giám sát tại huyện Tân Hưng có thực hiện thủ tục cho thuê qua đấu giá 1 hầm đất tại thị trấn Tân Hưng để người dân nuôi trồng thủy sản với thời hạn hợp đồng 10 năm. Tuy nhiên, có nơi để tránh lãng phí đất mặt nước nên UBND xã cho người dân thuê nuôi cá trong thời hạn 10 năm nhưng chưa thực hiện thủ tục đấu giá theo quy định; có nơi cơ quan chức năng chưa thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thay vào đó là lập biên bản bàn giao hầm đất về cho người dân quản lý, khai thác theo nguyện vọng, người dân tự nguyện ký cam kết bảo đảm an toàn xung quanh hầm đất. 

Cần quan tâm về an toàn tính mạng người dân

Theo HĐND tỉnh Long An, qua giám sát cho thấy, tại huyện Mộc Hóa có trường hợp 20 hầm đất hiện chưa thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thay vào đó, UBND xã lập biên bản bàn giao hầm đất về cho người dân quản lý, khai thác theo nguyện vọng của người dân và họ tự nguyện ký cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn xung quanh hầm đất. Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều hầm có biện pháp bảo đảm an toàn nhưng rất sơ sài, nguy cơ xảy ra đuối nước cao.

Người câu cá tại hầm đất ven QL62 thuộc xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết hầm đất tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh các biện pháp bảo đảm an toàn xung quanh khu vực hầm đất, có nơi cắm biển báo nhưng không kiên cố, dễ ngã đổ, có nơi có trồng cây xanh nhưng không có hàng rào,... Theo ý kiến của nhiều địa phương và qua khảo sát thực tế của ngành chức năng, nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp như xây dựng bờ bao, làm hàng rào, trồng cây xanh, đặt biển báo,... thì kinh phí rất lớn.

Hiện, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường bảo đảm an toàn xung quanh các hầm đất đã khai thác xong còn bỏ hoang hoặc đã giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn cho người dân.

Hầm đất tại xã Tân Tây đã được đo đạc để cắm mốc, thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân xung quanh

Được biết, trước đây, UBND tỉnh Long An đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 19/12/2017 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Quyết định 351/QĐ-UBND ngày 05/02/2020 về phê duyệt kế hoạch thực hiện đóng cửa mỏ các hầm đất đã khai thác xong trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, các địa phương có sự tập trung hơn trong việc rà soát, thực hiện các thủ tục đóng hầm. Toàn tỉnh hiện có 638 hầm đất thực hiện thủ tục đóng hầm sau khai thác.

Chủ tịch UBND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Chẩn cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 1 hầm đất diện tích 2ha ở ngay phía sau CDC của xã. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và của tỉnh, UBND xã thường xuyên thông báo trên loa phát thanh, tuyên truyền đến từng khu dân cư tình hình phòng, chống đuối nước và nghiêm cấm trẻ em, học sinh không được đến gần hầm đất. Đồng thời, ngay trong ngày 30/6, UBND xã phân công cán bộ địa chính, ban, ngành liên quan đi đo đạc, cắm mốc chuẩn bị xây rào chắn một số điểm xung yếu và biển cảnh báo nguy hiểm, bảng chỉ dẫn khu vực đất công do UBND xã quản lý. Qua đó, bảo đảm an toàn cho tính mạng người dân, nhất là học sinh xung quanh khu vực"./.

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết