Tiếng Việt | English

27/07/2015 - 14:21

Long An: Chăn nuôi thua lỗ - nhiều nông dân không muốn tái đàn

hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi liên lục tăng. trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi bán ra với giá cả bấp bênh, không ổn định. Điều này làm cho nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ, không muốn tái đàn.


Người chăn nuôi luôn thấp thỏm lo âu về giá thức ăn và đầu ra cho sản phẩm

Chăn nuôi không có lãi

Những năm gần đây, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm ngày càng nhiều nên việc chăn nuôi dễ gặp rủi ro và lợi nhuận không cao. Chi phí con giống, thức ăn,... có xu hướng ngày càng tăng.

Trong khi đó, giá bán sản phẩm của người chăn nuôi luôn bấp bênh, đồng thời phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập lậu tràn qua biên giới. Thử hỏi, như vậy làm sao người chăn nuôi có lãi?

Cho nên, người chăn nuôi cứ mất vốn dần, dẫn đến việc phải nuôi gia công cho các công ty lớn hoặc bỏ nghề. Về lâu dài, nếu Nhà nước không có biện pháp quản lý hiệu quả thị trường thức ăn chăn nuôi mà cứ để tình trạng như vậy tiếp diễn thì việc khuyến khích người dân chăn nuôi sẽ gặp không ít khó khăn.

Ông Lâm Thành Trung, ngụ ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành cho biết: “Hiện nay, giá heo hơi giảm nhiều so với những tháng đầu năm 2015, chỉ ở mức từ 4,3 - 4,8 triệu đồng/tạ. Giá heo hơi liên tục giảm nhưng giá thức ăn lại không thấy giảm. Với tình trạng này, rất khó cho người chăn nuôi. Gia đình tôi nuôi khoảng 130 con heo, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 8 bao thức ăn, giá 280.000 đồng/bao. Với giá cả bán ra như thế này, người chăn nuôi không có lãi cao, có khi chỉ huề vốn”.

Không riêng gì chăn nuôi heo, những người chăn nuôi gia cầm cũng luôn phập phồng lo lắng không biết giá thức ăn sẽ tăng lúc nào.

Anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Nhà Trường, xã Tân Lân, huyện Cần Đước cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi trên 10.000 con gà đẻ lấy trứng và gà thịt. Hiện nay, giá gà thịt tương đối ổn định so với đầu năm (gà thả vườn giá từ 60.000-90.000 đồng/kg). Tuy nhiên, nếu giá thức ăn tăng lên thì người chăn nuôi sẽ gặp khó. Do đó, tôi hy vọng giá thức ăn đầu vào luôn ổn định, để giảm bớt chi phí đầu tư và chăn nuôi có lãi”.

Cần bình ổn giá thức ăn

Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi là một mắc xích trong chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm. Họ nhập khẩu hoặc thu gom các loại nông sản nội địa làm nguyên liệu đầu vào để chế biến thành thức ăn chăn nuôi, sau đó bán cho các hộ nông dân sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh thì các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có lãi bằng cách tăng giá. Điều đó cho thấy rằng, rủi ro đã được “đẩy” sang người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Anh Bùi Văn Bé, ngụ ấp Tân Hòa, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ cho rằng: “Những năm gần đây, người chăn nuôi gặp không ít khó khăn vì giá thức ăn ngày càng tăng, nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, giá bán bấp bênh. Người chăn nuôi đang phải tự chịu tất cả. Gia đình tôi nuôi trên 50 con heo đang trong giai đoạn chuẩn bị bán nhưng với giá heo hơi 4,3 - 4,8 triệu đồng/tạ thì tính ra vẫn không có lãi. Hiện nay, giá cám nằm ở mức 6.300 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với đầu năm 2015”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Hiện nay, giá thức ăn đầu vào cho gia súc, gia cầm có tăng nhưng không dao động lớn so với mọi năm. Từ yếu tố giá thức ăn tăng nên chi phí đầu vào trong chăn nuôi tăng, vì vậy người dân có lãi không cao. Do đó, người dân chưa quan tâm lắm đến vấn đề tăng đàn. Trước tình hình này, để việc chăn nuôi được bền vững, ban lãnh đạo sở sẽ họp và thành lập các đoàn đến các địa phương kiểm tra và tuyên truyền, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo quy mô trang trại, đồng thời phổ biến các chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi”.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết