Tiếng Việt | English

12/09/2018 - 17:24

Long An: Chủ động phòng chống bão, lũ

Trước những diễn biến phức tạp của bão, lũ, đặc biệt là bão số 5 (tên quốc tế BARIJAT), các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng tránh, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Gia cố đê bao bảo vệ lúa Thu Đông 2018

Hiện nay, mực nước tại các trạm vùng thượng của tỉnh Long An tiếp tục lên với cường suất trung bình từ 1-5cm/ ngày, đêm.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Long An, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ít biến đổi trong 1 – 2 ngày tới, sau đó xuống chậm, đến 20/9 mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc có thể ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động II là 0,1m, sau đó lên lại theo thủy triều.

Mực nước trên thượng nguồn sông MeKong đang xuống nhưng còn ở mức cao, đề phòng khả năng lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể lên cao khi thời tiết bất lợi.

Đến ngày 15/9/2018, mực nước lũ tại trạm Tân Hưng có thể lên mức 3,05m; Vĩnh Hưng 2,9m; Mộc Hóa 1,6m (thấp hơn BĐ 2: 0,2m).

Khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên nước tiếp tục lên đến cuối tháng 9/2018. Đến ngày 20/9, mực nước cao nhất ngày trên kênh Hồng Ngự tại Tân Hưng có khả năng lên mức 3,2m (cao hơn cùng kỳ 2017 là  1,2m); trên kênh 28 tại Vĩnh Hưng lên mức 3m (cao hơn cùng kỳ 2017 là 1,08 m); sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa 1,7m (cao hơn báo động 1 là 0,5m và cao hơn cùng kỳ 2017 là 0,57m), gây ngập ở những vùng trũng thấp tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, một phần các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường.

Hiện, trên khu vực biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 5 mang tên quốc tế BARIJAT), vì vậy các địa phương cần bảo vệ an toàn diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch và diện tích lúa Thu Đông 2018 đã gieo sạ.

Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018; Công điện số 45/TWPCTT ngày 27/8/2018 về ứng phó với lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết