Tiếng Việt | English

02/10/2016 - 05:11

Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1966-2/10/2016):

Long An có trên 300.000 gia đình hiếu học

Tính đến nay, toàn tỉnh Long An có trên 300.000 gia đình hiếu học (trong đó có 10 gia đình hiếu học được tuyên dương cấp toàn quốc), 122 dòng họ hiếu học, 169 cộng đồng khuyến học và 148 đơn vị khuyến học.


Những hoạt động trao học bổng của chi hội khuyến học ấp, khu phố nhằm tiếp sức cho các em và cũng là nền tảng xây dựng cộng đồng học tập

Năm 2016, có trên 200.000 hộ gia đình đăng ký “Gia đình học tập”, 166 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập” và trên 500 ấp, khu phố đăng ký “Cộng đồng học tập”. Phong trào xây dựng xã hội học tập đang được lan rộng, khắp các địa phương đều có những gia đình, dòng họ và cộng đồng hết sức quan tâm, chăm lo cho việc học tập của thế hệ trẻ.

Từ những gia đình học tập

Cứ mỗi 2 tuần một lần, nhà ông Lê Thành Đặng, ngụ ấp Gò Cao, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lại họp mặt gia đình lớn một lần. Đây là thông lệ không thể xóa bỏ của gia đình ông, mặc dù các con ông đều có gia đình, công việc ổn định ở xa.


Đại gia đình học tập của ông Lê Thành Đặng, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa (ảnh chụp lại)

Ông Đặng có 3 người con thì anh Lê Quang Tiến tốt nghiệp Đại học Y dược, đang công tác trong ngành dược tại TP.HCM. Anh Lê Thanh Bình là thạc sĩ, nguyên giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, hiện đang làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh Lê Thành Tâm ở quê hương Đức Hòa cùng cha mẹ, là nông dân “có tiếng”, đi đầu trong phong trào chăn nuôi bò sữa tại huyện. Hiện tại, đàn bò của anh khoảng 15 con; thời điểm giá sữa tăng cao thì đàn bò lên đến hơn 30 con. Đó là kết quả của cả một quá trình tìm tòi, học hỏi, ứng dụng khoa học-kỹ thuật để đạt đến thành công của anh Tâm. Con của anh Tâm đang là sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM; con của anh Tiến, anh Bình cũng đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi.

Đó chính là món quà lớn nhất mà con, cháu dành cho ông bà Lê Thành Đặng khi ông bà bước vào tuổi xế chiều. Bởi lẽ, với ông bà, không có điều gì quan trọng bằng việc học hành; và chỉ có học hành mới giúp con người thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.


Tuy ngoài 75 nhưng ông bà Lê Thành Đặng vẫn duy trì thói quen đọc báo mỗi ngày. Đó là một tấm gương sống cho con cháu về tinh thần học tập suốt đời

Ông nhớ lại: “Ngày trước, vợ chồng tui chỉ có 6 cao ruộng mà phải nuôi 2 con học đại học, 1 đứa học trung cấp là cả một vấn đề. Dù khổ cỡ nào, tui cũng ráng lo cho các con. Cũng may là tụi nó đều ngoan ngoãn và cố gắng”, ông mỉm nụ cười hạnh phúc. Giờ đây, khi các con thành đạt, cuộc sống thoải mái, mỗi ngày, ông bà Đặng lại tìm nguồn vui trong việc chăm cây cảnh trước nhà và đọc báo mỗi ngày. Với ông, mỗi ngày xem một tờ báo là nhu cầu bình thường như việc ăn cơm. Theo ông, đọc để “biết chuyện gần, chuyện xa”, rồi ông bà lại cùng nhau bàn luận. Niềm vui của gia đình ông bà Đặng đến từ việc học tập thêm nhiều thông tin, kiến thức mới qua báo, đài mỗi ngày.

Gia đình ông Phan Tấn Lợi, ở xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng là một trong những gia đình hiếu học ở địa phương. Ông bà Lợi đều là nông dân, đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, nhưng các con của ông bà - người là giảng viên, người là kỹ sư hóa, kỹ sư điện; tất cả đều thành công với công việc của mình.

Dù vất vả, ông bà Lợi chỉ mong nuôi các con ăn học thành tài, bởi ông quan niệm “mình làm nông vất vả thì con mình phải học hành để thoát khỏi cảnh vất vả của mình”. Chính vì thế, ông luôn động viên các con hoàn thành việc học, không đậu đại học ngay từ đầu thì cũng không ngừng cố gắng để hoàn thiện bản thân sau này. Con trai Út của ông Lợi - anh Phan Hoàng Ân làm rất tốt điều cha dạy. Tốt nghiệp Trung cấp Điện lực, anh Ân chăm chỉ vừa làm, vừa tranh thủ học để nâng cao trình độ vào buổi tối. Ròng rã mấy năm trời; sáng anh làm việc ở TP.Tân An, tối lại lên TP.HCM học cao đẳng rồi đại học. Nhờ quyết tâm và chịu khó, anh tốt nghiệp đại học; đồng thời, được đánh giá cao trong công việc, cuộc sống ổn định và đạt những thành công nhất định.

Gia đình ông Đặng, ông Lợi cũng như nhiều gia đình hiếu học khác, có lẽ họ chưa từng gặp nhau, hoàn cảnh cũng chẳng giống nhau nhưng họ có một điểm chung chính là tinh thần ham học. Và họ truyền cái tinh thần ấy cho con, cháu trong gia đình. Để từ đó, họ dùng kiến thức, học vấn của mình thay đổi cuộc sống từ cơ cực thành no ấm, hạnh phúc.

Đến đòng họ, cộng đồng học tập

Từ những gia đình học tập, truyền thống hiếu học được nhân rộng thành dòng họ học tập và cộng đồng học tập khi việc chăm lo không còn giới hạn trong phạm vi gia đình nữa.

Dòng họ Phạm tại ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An có 17 hộ, 39 nhân khẩu thì 14 người tốt nghiệp đại học (1 bác sĩ, 7 kỹ sư và các ngành nghề khác), 6 người tốt nghiệp cao đẳng, các cháu đang học trung học đều đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt.

Ông Phạm Hiếu Liêm - trưởng dòng Phạm cũng là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ấp Nhà Dài cho biết: “Từ đời ông nội tôi đã coi trọng việc học hành, ba tôi cũng vậy nên tôi phải cố gắng cho con tôi học hành thành đạt, khuyến khích, động viên anh em trong dòng họ giúp các cháu học hành tới nơi, tới chốn. Dù gì thì đó cũng là truyền thống của gia đình từ lâu rồi!”.

Tất cả các gia đình trong dòng họ có thể có điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng đều cố gắng lo cho việc học tập của con, cháu trong họ. Ông Liêm cho biết, khi có một người trong dòng họ gặp khó khăn về kinh tế thì những gia đình khác có thể góp tiền giúp các cháu vượt qua khó khăn, tiếp tục việc học hành. Đặc biệt, hàng năm, sau khi tổng kết năm học, dòng họ đều tổ chức khen thưởng cho các cháu đạt học sinh giỏi. Phần quà có thể là tập hoặc tiền mặt nhằm động viên các cháu tiếp tục phấn đấu.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Lân - Nguyễn Kim Hoàng cho biết: “Tất cả con cháu trong dòng họ Phạm đều có thành tích học tập rất tốt, vượt so với chuẩn đưa ra. Các gia đình trong dòng họ đều hết sức quan tâm, giúp đỡ nhau, chăm lo việc học tập cho các cháu. Ấp Nhà Dài cũng là cộng đồng hiếu học nên việc chăm lo cho các em học sinh trong ấp được thực hiện rất tốt”.


Trao học bổng cũng là nền tảng xây dựng cộng đồng học tập

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ấp Nhà Dài, ông Liêm nhiệt tình đi vận động kinh phí, tặng quà cho học sinh khó khăn trong ấp. Tính đến nay, tồn quỹ của chi hội đạt 20 triệu đồng. Hàng năm, các học sinh khó khăn, học giỏi đều được tặng tập vở, sách hoặc quần áo giúp các em yên tâm học tập. Có những trường hợp quá khó khăn, ông Liêm cùng cán bộ ấp vận động nhà trường miễn, giảm học phí cho các em.

Đó cũng là những điều mà cộng đồng học tập ấp Gò Cao thực hiện. Đặc biệt, không chỉ tặng tập vở hay quần áo, Chi hội Khuyến học của ấp còn tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ như trường hợp em Đặng Tuấn Khánh, học sinh lớp 8 được chi hội tặng cặp, vở và 250.000 đồng vào đầu năm học mới. Khánh mồ côi cha mẹ, sống cùng ông bà nội lớn tuổi, cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng em luôn cố gắng trong học tập.

Biết được hoàn cảnh của em, Chi hội ấp Gò Cao giúp em phần nào trong năm học mới, đồng thời còn kiến nghị Hội Khuyến học thị trấn Hậu Nghĩa tặng học bổng và giới thiệu em cho các quỹ học bổng khác nhằm giúp em vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ riêng trong năm 2016, Chi hội ấp Gò Cao tặng 750 quyển tập và 4,5 triệu đồng học bổng cho học sinh trong ấp. Được biết, ấp Gò Cao là 1 trong 2 đơn vị của huyện Đức Hòa được công nhận là cộng đồng học tập.

Việc xây dựng thành công các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập,... hướng tới xây dựng xã hội học tập là điều hết sức ý nghĩa. Nó không chỉ thúc đẩy tinh thần ham học, tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà còn là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc xây dựng một xã hội học tập với những công dân tiên tiến, đủ kiến thức và năng lực góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước. Thiết nghĩ, khuyến học, khuyến tài muốn đạt đến thành công thì ngay từ hạt nhân gia đình phải là nơi ươm mầm, làm gương trước nhất./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết