Tiếng Việt | English

16/05/2016 - 22:12

Long An: Đầu tư Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười

Hiện nay, để phát triển bền vững, giải pháp tối ưu là phải thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp trên nền tảng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao và thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và chế biến.

Để đạt yêu cầu trên, phải dựa trên sự phát triển và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ (KHCN), đặc biệt là ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất và đời sống.

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa VIII thông qua Nghị quyết đầu tư Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) tại Long An.

Vùng ĐTM của Long An hiện có Trạm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ ĐTM do Sở KHCN quản lý, được quy hoạch và đầu tư cơ bản với diện tích trên 83ha, gồm các hạng mục: Hệ thống đê bao, ao nuôi thủy sản, cấp điện, cấp thoát nước, đường nội bộ và khu nhà hành chính, sẵn sàng tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ sinh học.

Theo tinh thần Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc triển khai kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng CNSH ở Việt Nam đến năm 2020, vùng ĐTM cần có Trung tâm Ươm tạo nghiên cứu, ứng dụng CNSH phù hợp, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Vì vậy, việc đầu tư Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học vùng ĐTM tại Long An là cần thiết và có tính khả thi, nhằm mục đích phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh Long An và của các địa phương trong vùng ĐTM.

Mục tiêu chính của dự án là hình thành trung tâm nghiên cứu, phát triển CNSH tầm cỡ cấp vùng, vừa là nơi tạo ra các sản phẩm CNSH trình độ cao phục vụ phát triển nhanh và bền vững sản xuất nông nghiệp vùng ĐTM và các lĩnh vực liên quan CNSH, vừa là nơi ươm tạo công nghệ, thu hút, đào tạo chuyên gia KHCN phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

Kết thúc giai đoạn này là tiền đề để phát triển thành vườn ươm công nghệ cao sau năm 2020 của tỉnh với mức xã hội hóa trên 60% theo chiến lược phát triển KHCN chung của Chính phủ.

Để thực hiện mục tiêu, lộ trình thực hiện được xác định: Năm 2016, tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư công để bố trí vốn đầu tư trung hạn theo quy định, đồng thời, triển khai khai thác các công trình được đầu tư như: Xưởng chế biến phân hữu cơ vi sinh, hệ thống ao nuôi thủy sản, khu sản xuất giống lúa mới.

Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng mới một số hạng mục công trình phòng thí nghiệm và thiết bị kiểm định giống phục vụ cho các đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp cơ sở như: Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ đáy bùn ao và phụ phẩm nông nghiệp; lai tạo giống bò thịt chất lượng cao bằng phương pháp nhân bản vô tính; công nghệ trục vớt và xử lý cây lục bình; lai tạo giống lúa thơm xuất khẩu;…

Năm 2017 đến 2018, tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị và tổ chức thu hút, đào tạo chuyên gia mức độ cơ bản gắn với yêu cầu triển khai các đề tài, dự án cấp nhà nước và cấp tỉnh chuyển tiếp năm 2016 và phát sinh trong giai đoạn 2017-2018 theo chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh.

Yêu cầu của giai đoạn này là các phòng kiểm định bước đầu đáp ứng nhu cầu về kiểm định môi trường, thức ăn chăn nuôi, thủy sản,… Các phòng thí nghiệm về giống bước đầu xây dựng quy trình sản xuất quy mô lớn. Các phòng thí nghiệm về gen và lưu trữ gen bước đầu tìm ra và bảo tồn, bảo quản các kiểu gen quý.

Năm 2019-2020, tập trung hoàn thiện các hạng mục đầu tư theo hướng chuyên sâu để đáp ứng các yêu cầu nâng cao của phát triển nông nghiệp, môi trường và đời sống; đẩy mạnh thu hút đầu tư và nhân lực để bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của trung tâm, làm tiền đề phát triển thành Vườn ươm công nghệ cao giai đoạn 2021-2025.

Yêu cầu của giai đoạn này là các phòng thí nghiệm đi vào hoạt động với công suất 100%; có sự đa dạng về nguồn giống (lúa, hoa màu, rau củ, thủy sản, gia cầm, gia súc), thực phẩm thức ăn chăn nuôi, các loại thực phẩm chức năng từ tảo, các phòng khác có thể kiểm định tất cả những chỉ tiêu về môi trường, lý hóa, thực phẩm,… theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Ban Giám đốc Sở KH&CN Long An

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích