Tiếng Việt | English

12/07/2019 - 20:53

Long An: Dịch tả heo Châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp

Sau gần 1 tháng công bố dịch tả heo Châu Phi (DTHCP), đến nay, tình hình DTHCP trên địa bàn tỉnh Long An vẫn đang diễn biến khá nhanh và phức tạp. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Long An online có cuộc trao đổi với Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An - Dương Minh Phí.

Đoàn công tác của Chi cục chăn nuôi, thú ý và thủy sản tỉnh làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo Châu Phi huyện Đức Hòa.

Đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi, Thú ý và Thủy sản tỉnh Long An làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo Châu Phi huyện Đức Hòa

► PV: Xin ông cho biết về tình hình diễn biến của DTHCP trên địa bàn tỉnh?

Ông Dương Minh Phí: Hiện nay, tình hình DTHCP trên địa bàn tỉnh đang diễn ra tương đối phức tạp, với tốc độ lây lan nhanh và khó kiểm soát, trung bình mỗi ngày phát sinh thêm 1 - 2 ổ dịch mới. Tính đến chiều 10/7, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện DTHCP tại 48 hộ thuộc 23 xã, phường của 6 huyện, thị xã. Số lượng heo dương tính với DTHCP được tiêu hủy là khoảng 1.200 con với tổng trọng lượng trên 65 tấn.

► PV: Trước tình hình như hiện nay, Chi cục có những giải pháp nào để hạn chế, ngăn chặn DTHCP tiếp tục lây lan?

Ông Dương Minh Phí: Về công tác phòng, chống DTHCP, Chi cục vẫn tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 06/3 của UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTHCP và Văn bản chỉ đạo số 2295-CV/TU ngày 22/5 của Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống DTHCP trên địa bàn tỉnh và quán triệt đầy đủ nội dung đến Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố.

Theo đó, Chi cục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Ban Chỉ đạo phòng, chống DTHCP cấp huyện, cấp xã tăng cường tiêu độc khử trùng bằng vôi và thuốc sát trùng; thiết lập các chốt kiểm soát động vật trên các tuyến đường trọng yếu, có lượng xe vận chuyển heo và sản phẩm từ heo xuất, nhập tỉnh lớn.

Bên cạnh đó, yêu cầu các huyện, thị xã đã xảy ra dịch thiết lập thêm các chốt kiểm soát lưu động để kiểm soát số lượng heo và sản phẩm từ heo ra, vào huyện, thị xã. Đến nay, toàn tỉnh thành lập trên 31 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và 15 đội kiểm soát lưu động. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, hộ chăn nuôi trong công tác phòng, chống DTHCP; khuyến khích người chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Khuyến cáo những hộ chăn nuôi đã xảy ra dịch không để người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Đối với những huyện chưa xảy ra dịch, Chi cục tiếp tục chỉ đạo tập trung triển khai thực các công tác tiêu độc khử trùng và thông tin, tuyên truyền đến người dân. Ngoài ra, yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống DTHCP cấp huyện báo cáo thường xuyên về tình hình triển khai và công tác kiểm tra tại địa phương cho Chi cục ít nhất mỗi ngày 1 lần.

Cán bộ thú y kiểm tra xa vận chuyển heo qua chốt kiểm soát động vật tạm thời.

Cán bộ thú y kiểm tra xa vận chuyển heo qua chốt kiểm soát động vật tạm thời

► PV: Công tác kiểm soát nguồn heo tại các cơ sở giết mổ và những sản phẩm từ heo trên địa bàn tỉnh được Chi cục triển khai như thế nào?

Ông Dương Minh Phí: Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 43 cơ sở giết mổ (CSGM) tập trung, trong đó có 27 CSGM heo, mỗi ngày giết mổ khoảng 4.500 con, phần lớn cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, nguồn gốc heo giết mổ chủ yếu được nhập từ Đồng Nai, Bình Phước, Vĩnh Long,...

Đối với các CSGM, Chi cục luôn cử nhân viên thú y túc trực 24/24 để kiểm soát nguồn heo nhập vào cơ sở. Tất cả số heo phải được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm đúng theo quy định tại Điều 4, Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Đối với heo xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh, phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP trước khi vận chuyển đến CSGM. Sau mỗi ca giết mổ đều tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để bảo đảm tiêu diệt sạch mầm bệnh.

Trường hợp heo có nguồn gốc từ tỉnh khác vận chuyển đến CSGM, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh DTHCP, heo phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-B NNPTNT. Đối với các sản phẩm từ heo sau giết mổ phải xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP và được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 70 - Luật Thú y, để tiêu thụ trong và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, trước khi vào và ra khỏi CSGM.

Đối với các sản phẩm từ heo, vừa qua, Chi cục đã phát hiện và gửi xét nghiệm 1 mẫu lạp xưởng ở huyện Cần Giuộc và 1 mẫu thịt giò viên ở huyện Tân Trụ, kết quả 2 mẫu này đều dương tính với DTHCP, Chi cục phối hợp các ngành liên quan tiến hành xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng gửi thêm một số mẫu sản phẩm từ heo khác như nem, chả lụa,... cho Chi cục Thú y vùng VI để tiến hành xét nghiệm và đang chờ kết quả. Song song đó, Chi cục yêu cầu các hộ kinh doanh cam kết nhập nguyên liệu, đặc biệt là thịt heo đã qua kiểm dịch để bảo đảm mang đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn heo được kiểm soát chặt chẽ trước khi đưa vào cơ sở giết mổ.

Nguồn heo được kiểm soát chặt chẽ trước khi đưa vào cơ sở giết mổ

► PV: Bên cạnh các giải pháp phòng, chống DTHCP lây lan, Chi cục tiến hành xử lý số lượng heo bị DTHCP và hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị DTHCP như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Minh Phí: Toàn bộ số heo dương tính với DTHCP sẽ được tiêu hủy khẩn cấp theo hình thức chôn. Đối với những hộ chăn nuôi có đường vận chuyển thuận lợi, không đi qua các khu dân cư và những khu vực chăn nuôi khác, heo sẽ được vận chuyển đến những khu đất đã được chuẩn bị từ trước theo kịch bản ứng phó với DTHCP của UBND tỉnh để tiến hành tiêu hủy. Riêng đối với những hộ chăn nuôi có đường vận chuyển khó khăn, heo sẽ được tiến hành tiêu hủy theo hình thức đốt tại hộ chăn nuôi đó.

Về các chính sách hỗ trợ, thực hiện theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTHCP, Chi cục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh về các quy định, mức phí hỗ trợ tạm thời cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do DTHCP. Cụ thể, heo dưới 28 ngày tuổi được hỗ trợ 350.000 đồng/con; heo từ 28 đến 60 ngày tuổi được hỗ trợ 750.000 đồng/con; heo nái, heo đực giống đang khai thác được hỗ trợ 4 triệu đồng/con; heo trên 60 ngày tuổi được hỗ trợ 36.000 đồng/kg.

► PV: Xin ông cho biết về công tác bảo vệ nguồn heo giống và khuyến cáo của ngành về việc tái đàn?

Ông Dương Minh Phí: Về nguồn heo giống, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh cùng các công ty chăn nuôi mang tầm đa quốc gia (như C.P. Việt Nam,...) vẫn sẽ luôn bảo đảm về số lượng và chất lượng nguồn giống để phục vụ tái đàn. Tuy nhiên, đó là sau khi DTHCP đã được kiểm soát, còn thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn chưa có chủ trương tái đàn. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến cáo những hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ không nên tái đàn trong tình hình hiện tại. Chỉ những công ty, trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, đủ điều kiện và bảo đảm chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mới được tái đàn với quy mô vừa phải nhằm duy trì nguồn thịt heo phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất.

► PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Tùng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết