Tiếng Việt | English

06/02/2016 - 12:35

Long An: Điểm đến của nhà đầu tư

Bằng nhiều hành động cụ thể nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, Long An thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư khá lớn về số vốn lẫn dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh - Đỗ Hữu Lâm trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghệ môi trường xanh do Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam-Long An làm chủ đầu tư

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Long An giữ vai trò là cầu nối giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có 2 tuyến đường cao tốc đi qua. Vì vậy, Long An có thể kết nối với các cửa ngõ quốc tế, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL. Theo quy hoạch giao thông-vận tải, Chính phủ sẽ đầu tư thêm 1 đường xe lửa cùng nhiều tuyến đường vành đai của TP.HCM đi qua địa bàn tỉnh.

Về giao thông thủy, tỉnh có 2 trục giao thông nội địa chính là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu ra cửa sông Soài Rạp trước khi đổ ra biển Đông. Ngoài ra, Long An còn được xem là vùng giãn nở công nghiệp và đô thị của TP.HCM. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp tỉnh phát triển kinh tế và giao thương hàng hóa cả trong và ngoài nước; là tiền đề vững chắc để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng.

Hiện nay, Long An có 16/28 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 56,6%. Từ khi thành lập các KCN đến nay, có 1.049 dự án đầu tư vào KCN, gồm 411 DN FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.632 triệu USD và 638 DN DDI với tổng vốn đăng ký 44.969 tỉ VNĐ.

Long An còn có 14/32 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 85%. Hiện các CCN hoạt động thu hút 254 dự án đầu tư gồm 55 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư 201 triệu USD và 199 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 5.100 tỉ đồng.

Đất lành cho nhà đầu tư

Hiện tại, ngoài doanh nghiệp DDI, Long An còn thu hút rất nhiều doanh nghiệp đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Trong đó, Đài Loan đứng thứ 1 cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký (156 dự án, vốn đăng ký 922 triệu USD), Hàn Quốc đứng thứ 2 cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký (120 dự án, vốn 507 triệu USD), Nhật Bản đứng thứ 3 (118 dự án, vốn 395 triệu USD), Trung Quốc đứng thứ 4 (92 dự án, vốn đăng ký 167 triệu USD); ngoài ra, còn có các nước có số vốn đăng ký đầu tư lớn: Mỹ 469 triệu USD, Virgin Ireland 432 triệu USD,...

Sau hơn 10 năm hoạt động, KCN Thuận Đạo nhanh chóng thành công trong thu hút đầu tư. Tổng diện tích toàn KCN có 302ha (cả 2 giai đoạn), trong đó, KCN Thuận Đạo (Bến Lức) với diện tích 113ha, lấp đầy 100%; KCN Thuận Đạo mở rộng (Cần Đước) 189ha, lấp đầy 60%.

Đến nay, KCN Thuận Đạo thu hút được 23 DN đến đầu tư, trong đó có 8 DN trong nước và 15 DN đến từ các tập đoàn kinh tế lớn thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan,... với tổng giá trị đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 33.000 lao động, góp phần phát triển kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, Tập đoàn Dệt may Huafu Hồng Kông đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất là dấu ấn tốt đối với KCN Thuận Đạo nói riêng và Long An nói chung trong thời gian qua. Tổng vốn đầu tư của nhà máy tại KCN Thuận Đạo là 6.000 tỉ đồng trên diện tích 35ha.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, đây là dự án có vốn đầu tư FDI thuộc lĩnh vực dệt may lớn nhất được cấp phép đầu tư vào Long An nói riêng và ĐBSCL nói chung trong năm 2015. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Huafu - ông Weng He Song chia sẻ, đến nay, giai đoạn 1 của dự án với mức vốn gần 3.000 tỉ đồng hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016.

Hiện tại, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành trang phục ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khi đến đầu tư tại Long An, Huafu sẽ dựa vào nguồn tài nguyên ưu thế của Long An, góp phần phát triển nền công nghiệp dệt may tại tỉnh nhà. Trong quí III-2015, tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghệ môi trường xanh do Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam-Long An làm chủ đầu tư tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa.

Công nhân làm việc trong nhà máy dệt Công ty TNHH MTV Công nghiệp Huafu

Dự án có diện tích khoảng 1.760ha với mức vốn đầu tư thực hiện tương đương 9.656 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án từ nay đến năm 2020 là tập trung xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho Long An và TP.HCM, sau năm 2020 sẽ mở rộng xử lý cho các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh, thành lân cận có khoảng cách vận chuyển phù hợp.

Ông David Dương - Chủ dự án Khu công nghệ môi trường xanh cho rằng, trong quá trình chuẩn bị khởi động dự án, nhà đầu tư nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị liên quan. Từ sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi như thế, nhà đầu tư cảm nhận rằng, Long An là miền đất màu mỡ, đất lành cho nhà đầu tư.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Minh Hạ cho biết: Hiện nay, Long An là một trong những tỉnh có sức hút khá lớn đối với các nhà đầu tư, bởi lợi thế về địa lý và môi trường đầu tư hấp dẫn. Thời gian tới, Long An tiếp tục nỗ lực trong thu hút đầu tư cả lĩnh vực FDI và DDI bằng cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, xem khu vực DN, doanh nhân là bộ phận quan trọng của nền kinh tế cũng như trong quá trình Long An thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, với sự phục hồi của kinh tế thế giới, thêm vào đó, Việt Nam tham gia Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra hiệu ứng phát triển và thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ nước ngoài. Để chào đón làn sóng đầu tư từ DN trong cũng như ngoài nước, Long An tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng nhằm tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp.

“Long An hiện còn quỹ đất sạch khoảng 5.000ha cho phát triển công nghiệp. Đến thời điểm này, bình quân các khu, CCN trên địa bàn tỉnh lấp đầy 67,7%. Năm 2016, Ban Quản lý Khu kinh tế và Sở Công Thương sẽ xúc tiến kêu gọi đầu tư và lấp đầy thêm 300ha đất trong khu, CCN. Các ngành nghề tỉnh đang kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực như: Các dự án có công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu” - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Nguyễn Văn Tiều cho biết.

Năm 2015, tỉnh cấp giấy chứng nhận cho 80 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký trên 12.120 tỉ đồng, 105 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký gần 1 tỉ USD (kể cả dự án tăng vốn). Đồng thời cũng là năm Long An thu hút đầu tư cao nhất trong 5 năm qua, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký chiếm gần 22% tổng vốn đăng ký của tất cả các năm trước.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết