Tiếng Việt | English

01/10/2018 - 14:50

Long An - Điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài

Tính đến thời điểm này, tỉnh Long An có 26 năm tiếp nhận đầu tư nước ngoài (FDI). Qua các năm, lao động tại các doanh nghiệp (DN) FDI ngày càng tăng, chứng tỏ các nhà đầu tư tìm thấy cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động chuyên chở nguyên liệu phục vụ sản xuất tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh - nơi có nhiều nhà đầu tư FDI

Hoạt động chuyên chở nguyên liệu phục vụ sản xuất tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh - nơi có nhiều nhà đầu tư FDI

Nơi nhà đầu tư lựa chọn

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều thông tin: Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký hơn 5.738 triệu USD, trong đó có 545 dự án đi vào hoạt động, chiếm 54% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3.605 triệu USD, đạt 62,8% tổng vốn đăng ký. Có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó Đài Loan đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Singapore,... Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn: May mặc, da giày, chế biến thức ăn, chế biến thực phẩm đồ uống. Các dự án tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Đây là kết quả đáng ghi nhận bởi thời gian qua, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, hoàn thiện cơ chế hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (K,CCN), thực hiện các chính sách về thuế, thủ tục hành chính gọn nhẹ, thông thoáng. 

Theo đó, thời gian qua, các DN FDI góp phần nhiều vào hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất, nhập khẩu của tỉnh, chiếm tỷ lệ đóng góp cao hơn các DN trong nước và tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Công ty TNHH MTV Semitec Electronic (Semitec) là DN có vốn đầu tư từ Nhật Bản đầu tư vào Khu nhà xưởng Kizuna (KCN Tân Kim, huyện Cần Giuộc). Đây là DN chuyên sản xuất ngành hàng linh kiện điện tử phục vụ xe ôtô, thiết bị gia dụng. Sau gần 4 năm hoạt động, Semitec không ngừng mở rộng sản xuất, tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước. Hiện nay, tăng trưởng bình quân của DN là 30% mỗi năm. Tổng Giám đốc Semitec - Yoo Myung Sun cho rằng: “Long An là nơi khá lý tưởng bởi nguồn lao động dồi dào, có ý thức cao nên thuận lợi cho các DN nước ngoài khi đầu tư tại đây. Ngoài ra, Long An gần TP.HCM nên thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thủy cho việc vận chuyển hàng hóa”. 

Năm 2016, Công ty TNHH Long An GWFNV đầu tư vào KCN Phú An Thạnh (huyện Bến Lức) với nguồn vốn khá lớn cho ngành nghề may mặc. Giám đốc Công ty TNHH Long An GWFNV - Shin Yun Kyung cho rằng: “Tôi rất hài lòng về môi trường đầu tư tại Long An. Chính sách thuế, thủ tục hành chính thông thoáng, hạ tầng giao thông đang được đầu tư, nhà đầu tư hài lòng, tự tin trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Semitec Electronic

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Semitec Electronic

Ông Nguyễn Văn Tiều nhấn mạnh: “Những năm qua, DN FDI đầu tư vào tỉnh tăng qua từng năm, chứng tỏ các nhà đầu tư tìm thấy cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, các DN trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động, trong đó các DN FDI giải quyết việc làm cho khoảng 50% lao động trong các DN toàn tỉnh”. 

Tạo môi trường đầu tư bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần khẳng định, DN FDI đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, DN FDI góp phần đáng kể vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh sang khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, phát triển kết cấu hạ tầng, đóng góp nguồn thu ngân sách; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm; chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước;...

Tuy nhiên, hoạt động thu hút vốn FDI tại tỉnh thời gian qua còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, việc thu hút đầu tư của tỉnh chưa chủ động, chủ yếu là các dự án nhỏ, công nghệ thấp và trung bình, thâm dụng lao động. Đồng thời, DN FDI hoạt động vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, chuyển giá, chế độ đối với người lao động chưa bảo đảm,...

Ông Trần Văn Cần cho biết: “Tỉnh xây dựng giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thu hút vốn FDI thời gian qua để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI trong thời gian tới, đưa thành phần kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ vị trí xứng đáng, có đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, những dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực. Tuy vậy, tỉnh không thu hút DN FDI bằng mọi giá mà thu hút dự án gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý các dự án FDI, sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI./.

Ngày 31/12/1987, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nếu lấy mốc thời gian đó thì đã hơn 30 năm, Việt Nam tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Riêng đối với Long An, tháng 9/1992, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, tỉnh đã 26 năm tiếp nhận đầu tư nước ngoài.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết