Tiếng Việt | English

06/08/2019 - 20:36

Long An ghi nhận 2.600 ca mắc sốt xuất huyết

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tại tỉnh Long An, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.600 ca mắc SXH, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, tuy nhiên, không có trường hợp tử vong.

Dụng cụ phế thải quanh nhà là điều kiện cho muỗi sinh sôi

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh phát hiện 497 ổ dịch nhỏ SXH, xử lý 98% số ổ dịch. Các địa phương có số ca mắc SXH tăng cao là Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, TP.Tân An có 300 ca mắc SXH, tăng khoảng 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong thời gian qua, dù công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh luôn được triển khai mạnh mẽ nhưng ý thức phòng bệnh SXH của người dân vẫn chưa cao.

Sốt xuất huyết rất nguy hiểm đối với trẻ em

Trưởng trạm Y tế phường 7, TP.Tân An - Trần Thị Thùy Linh cho biết: “Bên cạnh những hộ gia đình có ý thức phòng, chống SXH thì cũng còn một số hộ ý thức chưa cao; chai, lọ, vật dụng phế thải vứt bừa bãi,... Hướng tới, địa phương sẽ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục ra quân phòng, chống SXH trên địa bàn”.

Điều đáng chú ý là tại các điểm có nguy cơ bùng phát SXH cao như khu vực đông dân cư, khu nhà trọ thì người dân lại thờ ơ trước dịch bệnh này. Thói quen sinh hoạt thiếu ngăn nắp là một trong những điều kiện cho muỗi sinh sôi.

Bà Phan Thị Cho, ngụ TP.Tân An chia sẻ: “Nhiều người không dọn dẹp chai, lọ, sọt rác nhưng thực tế đây là nơi muỗi thường đẻ trứng, sinh lăng quăng gây sốt xuất huyết. Thông thường, gia đình có trẻ nhỏ mới chú trọng việc phòng bệnh còn người lớn thì khá chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh này".

Tuyên truyền người dân phòng, chống sốt xuất huyết

Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành Y tế Long An đang tích cực vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể như triển khai chiến dịch dọn dẹp dụng cụ phế thải chứa nước mưa quanh nhà, diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi, đồng thời, xử lý hiệu quả từng ổ dịch SXH nhằm hạn chế lây lan, kéo dài đến mức thấp nhất dịch bệnh bùng phát. Song song đó, ngành Y tế cũng thường xuyên khuyến cáo người dân khi nghi ngờ bị SXH cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - Huỳnh Hữu Dũng, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp hiện tại là diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt; đậy các vật dụng chứa nước như lu, khạp,…không cho muỗi đẻ trứng; thả cá, thay nước bình bông, chậu chén bỏ muối, úp các dụng cụ phế thải quanh nhà có khả năng chứa nước. Để tăng cường phòng, chống SXH, đề nghị các địa phương tích cực kêu gọi mỗi hộ gia đình hàng tuần dành khoảng 15 phút để dọn dẹp các vật phế thải có chứa nước mưa để diệt lăng quăng với thông điệp: "Không có lăng quăng thì không có SXH".

Nhìn chung, ngăn chặn dịch SXH bùng phát không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, các ngành mà hơn hết cần có sự đoàn kết, chung tay của cả cộng đồng./.

Nhóm PV

Chia sẻ bài viết