Tiếng Việt | English

20/02/2020 - 07:56

Long An: Giá thanh long đang 'nhảy múa'

Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc khó khăn, giá thu mua xuống thấp. Thời điểm này, nhiều cửa khẩu giao thương với Trung Quốc giúp việc xuất khẩu thuận lợi hơn, giá trong nước cũng khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, giá thu mua thanh long được nhà vườn tại cho rằng đang “nhảy múa” bởi vốn không cố định.

Giá tăng - nông dân phấn khởi

Châu Thành là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh Long An, sau nhiều ngày giá thanh long giảm sâu đã bắt đầu tăng trở lại. Nhiều nông dân thu hoạch và bán trong đợt sau Tết Nguyên đán đành tiếc rẻ. Những ngày này, nông dân đang thu hoạch và bán có giá mừng rỡ, nhưng ở những diện tích thanh long chưa thu hoạch, không ít nông dân phập phồng vì họ cho rằng không thể định được giá bán, đành chấp nhận rủi may.    

Thanh long tăng giá, nông dân phấn khởi

Chị Trần Thị Mỹ Liên, ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành chia sẻ, ngày 18/02, chị bán hơn 3,5 tấn thanh long. Chị chọn cách bán xô với giá 15.000 đồng/kg, tức là thương lái loại bỏ những trái nứt vỏ, tất cả thanh long còn lại sẽ được trả đồng một mức giá. Theo chị Mỹ Liên, mức giá này hiện chưa tạo đồng lời cho nông dân nhiều nhưng còn tốt hơn thời điểm những ngày đầu tiên sau Tết Nguyên đán.

Thời điểm đó, chị Liên cũng có vài tấn nhưng bán chỉ ở mức giá 5.000 đồng/kg. Không bán hàng xô như chị Mỹ Liên, anh Võ Đình Long, ấp 7, xã Hiệp Thạnh vừa bán gần 2 tấn thanh long ngày 17/02, nhưng chọn cách bán hàng chọn lựa ra từng loại. Loại 1 thương lái mua giá 33.000 đồng/kg, loại 2 giá 25.000 đồng/kg, loại 3 và loại 4 giá thấp hơn nhiều.

Hiện nay, nông dân trồng thanh long có nhiều cách chọn lựa trong việc bán thanh long cho thương lái như bán hàng lựa như anh Long, hay bán hàng xô như chị Mỹ Liên. Theo nhiều nông dân, mức giá hiện tại nông dân có được chút đồng lời nhưng chỉ ít thôi, bởi vụ mùa này là xông đèn, chi phí đầu tư khá nhiều. Nếu gia đình nào ít nhân công, phải thuê mướn nhiều thì gần như hòa vốn.

Nhiều nông dân phấn khởi vì giá thu mua tăng trở lại

Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thanh long tăng giá chính là sự thông thương trở lại ở các cửa khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc, giúp cho nông sản Việt Nam trong đó có thanh long được thuận lợi trong tiêu thụ. Thời điểm này, các nhà kho đã mạnh dạn mua các mặt hàng nông sản trở lại. Các đầu mối tiêu thụ một số mặt hàng nông sản quen thuộc tại Trung Quốc cũng bắt đầu lấy hàng.

Cần "ăn chắc mặc bền" 

Ông Lê Minh Đức chia sẻ, vào đầu tháng 2, UBND tỉnh Long An, Sở Công Thương Long An, Hiệp hội Thanh long Long An, Sở Công Thương nhiều tỉnh, thành bàn cách tiêu thụ thanh long do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Sau cuộc họp, có nhiều doanh nghiệp (DN) đồng hành cùng tỉnh và nông dân “giải cứu” thanh long. Điển hình như BigC đã ký hợp đồng với một vài hợp tác xã (HTX) và nông dân, thu mua mỗi ngày 20 tấn về phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, khi thanh long bắt đầu tăng giá, HTX, nông dân không giao hàng cho BigC, không muốn hợp tác khi DN tham gia "giải cứu".

Giải thích lý do này, không ít doanh nghiệp là nhà kho cho rằng, nông dân và DN xuất khẩu luôn có tâm lý cũng chờ đợi bán thanh long sang Trung Quốc vì được giá cao hơn bán trong nước khi các siêu thị thu mua trong cuộc “giải cứu”. Do vậy, nếu không bán được qua Trung Quốc, DN mới tính đến việc bán trong nước.

Một thực tế khác đang diễn ra là nông sản, trong đó có thanh long cần “giải cứu” trong thời điểm sau Tết một phần do lỗi từ nông dân và DN xuất khẩu. Cả 2 phía chưa có tâm lý đầu tư sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, rải vụ để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất hàng chính ngạch và không bị cảnh “cung vượt cầu”. Hiện nay, không ít nông dân sản xuất tự phát, ít chịu liên kết và không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn cao an toàn thực phẩm vì xuất khẩu đến Trung Quốc hầu như chưa có tiêu chuẩn.

Ông Lê Minh Đức cũng chia sẻ thêm, hiện có không ít HTX, nông dân không muốn ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ lâu dài với DN trong nước phục vụ cho tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu bằng đường chính ngạch. Đa phần hình thức mua bán thanh long hiện nay theo kiểu DN phía Trung Quốc phát giá đến nhà kho, nhà kho phát giá qua thương lái, thương lái nhận giá và đặt cọc đến nhà vườn. Tất cả giao dịch đều không hợp đồng, chỉ dừng ở mức thỏa thuận miệng. Chính sự mua bán chưa bền chặt dễ dẫn đến ùn ứ sản phẩm đầu ra như tình trạng ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Một thương lái chuyên thu mua thanh long, đặt cọc từ nhà vườn cho biết, giá thanh long những ngày vừa qua cũng như thời gian tới gần như đang “nhảy múa”. Mỗi ngày, thậm chí trong một ngày mà giá thanh long được nhà kho phát giá lên, xuống rất nhanh chóng. Khi cần thanh long đủ số lượng giao hàng cho phía Trung Quốc, nhà kho sẵn sàng phát giá đến thương lái cao, nhưng khi đủ hàng, nhà kho có thể đóng cửa, ngưng thu mua hoặc thu mua nhưng giá sẽ giảm nhanh chóng. Trong những ngày cuối tuần này và cả tuần tới, dự báo thanh long sẽ giảm giá.

Những ngày sắp đến, giá thanh long chưa biết “nhảy múa” như thế nào

Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An - Nguyễn Quốc Trịnh thông tin, mấy ngày qua, giá thanh long ở tỉnh Long An liên tục tăng mạnh trở lại, thậm chí, có ngày giá được điều chỉnh tăng 2 - 3 lần. Thời điểm này, mức giá được các nhà kho mua vào gần bằng với mức giá được họ mua vào tại thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020 (loại 1 giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, tức trước khi các cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc bị đóng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19). Lý do thanh long lên giá là một số cửa khẩu đã thông thương, ngoài ra, một số DN trong hiệp hội đã xuất khẩu bằng đường biển, bình quân mỗi ngày khoảng 50 tấn. Tuy nhiên, những ngày sắp đến, giá thanh long chưa biết “nhảy múa” như thế nào.

Ông Lê Minh Đức cho rằng, DN và HTX sản xuất, tiêu thụ thanh long nên và nhanh chóng chuyển hướng sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm có liên kết hợp đồng bao tiêu đầu ra để tăng chuỗi giá trị, trồng rải vụ. Riêng đối với việc mua bán với DN bạn phía Trung Quốc, cần có hợp đồng cụ thể để tránh tình trạng dễ phá vỡ đầu ra như những ngày đầu năm khi xảy ra dịch Covid-19./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết