Tiếng Việt | English

04/04/2016 - 19:54

Long An: Giải pháp nào cho nước sinh hoạt ở vùng hạn, mặn?

Thiếu nước sinh hoạt, nước dùng cho ăn uống đều phải mua là tình trạng từ xưa đến nay ở các xã vùng hạ của các huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Nhưng năm nay, khô hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu, khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng này trầm trọng hơn bao giờ hết. Do đó, tỉnh xem xét đến việc chuyển hướng kêu gọi đầu tư cấp nước lâu dài cho vùng này từ xã hội hóa sang công - tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ bao năm nay.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động xe chở nước cho dân Ảnh: Long Hải

Thiếu nước hợp vệ sinh ngày càng gay gắt

Những ngày này, đến các xã vùng hạ của các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, đâu đâu cũng thấy khô hạn, đất nứt nẻ, những ao nước ít ỏi còn sót lại thì mặn chát, không làm gì được. Người dân vùng này bao đời nay ăn uống hoàn toàn bằng nước mưa trữ lại hoặc mua nước từ các nơi khác chở về với giá cao.

Các năm trước, nước ngọt có giá khoảng 60.000 đồng/m3. Năm nay, mưa ít, hạn kéo dài, mặn vào sâu, không nhà nào còn nước mưa, giá nước ngọt từ nơi khác chở về lên đến 100.000 đồng/m3, thậm chí 200.000 đồng/m3.

14.500 hộ với hơn 56.000 người dân ở đây đang chật vật để vượt qua những tháng mùa khô này, sinh hoạt bị đảo lộn khi tất cả mọi nhu cầu về nước ngọt phải ở mức tối thiểu.

Tỉnh phải tính đến các biện pháp hỗ trợ nước ngọt cho người dân, trước mắt là cho các gia đình nghèo, khó khăn, ở xa khu dân cư. Dự kiến, tỉnh hỗ trợ kinh phí chở nước ngọt về vùng hạn, mặn, tháng 4 đến tháng 8 năm nay.

Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Việt Hùng cho rằng: Giải pháp hỗ trợ bằng tiền cho các hộ thì xã cũng rất đồng tình. Còn việc chi trả như thế nào thì cũng giống như hỗ trợ tiền điện. Quy định mỗi người một ngày sử dụng bao nhiêu lít nước, giá thành, tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước là bao nhiêu. Như vậy là chúng ta xác định được mức hỗ trợ.

Giải pháp cấp nước ngọt bền vững cho vùng hạ

Hiện nay, nhiều gia đình bỏ tiền ra khoan giếng nhưng đến độ sâu hơn 300 mét thì nước vẫn mặn. Cộng thêm đặc thù của vùng này là dân cư sống rải rác, đa phần đều nghèo nên phương án kêu gọi tư nhân đầu tư cấp nước và thu hồi vốn không khả thi.

Xe của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lấy nước tại Nhà máy nước thị trấn Cần Đước Ảnh: Long Hải

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm cho rằng: Chiến lược lâu dài thì chúng tôi đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập dự án khả thi là đưa nước ngọt từ hệ thống thủy lợi Đức Hòa về đây bằng vốn ngân sách. Tức là 59km từ Đức Hòa về cuối huyện Cần Giuộc. 5 - 10 tỉ/km thì chúng ta thực hiện trong 5-10 năm là khả thi.

Không thể khai thác nước ngầm hay xử lý tầng nước mặt tại chỗ để dùng cho sinh hoạt, cách duy nhất là dẫn nước ngọt từ nơi khác về cho vùng hạ. Tỉnh đang xem xét chuyển hình thức kêu gọi đầu tư sang công – tư, tức là chính quyền sẽ lo phần tạo nguồn, đường ống dẫn nước lớn, doanh nghiệp và người dân sẽ lo phần dẫn nước về khu dân cư, về các gia đình. Long An cũng đang tính đến việc hợp tác với Sawaco TP.HCM để cùng thực hiện phương án này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng cho biết: Những giải pháp đổi nước, đưa nước về cho người dân chỉ là giải pháp hàng năm. Về lâu dài phải tính toán tới việc kéo nước. Khi mình kêu gọi xã hội hóa, các nhà đầu tư đến nghiên cứu nhưng chi phí ban đầu quá lớn. Tới đây, tỉnh phải có những quyết sách về đầu tư theo hướng công - tư.

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nước sinh hoạt cũng vì thế ngày càng khó khăn, người dân vùng hạ của tỉnh Long An thực sự rất “khát” nước ngọt. Có đến tận nơi mới thấy, nước ngọt ở đây khan hiếm không khác gì các vùng khô hạn khắc nghiệt ở nhiều tỉnh Nam Trung bộ. Một giải pháp cấp nước bền vững đang được người dân vùng này kỳ vọng, để thoát khỏi khó khăn về nước bao đời nay./.

Minh Hạnh

Chia sẻ bài viết