Tiếng Việt | English

26/01/2020 - 18:00

Long An: Hiện đại hóa nền hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Năm 2019 trôi qua, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường đối ngoại và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị đã đạt những kết quả toàn diện và có nhiều điểm nhấn nổi bật.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần khảo sát công tác cải cách hành chính tại huyện Cần Đước

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần khảo sát công tác cải cách hành chính tại huyện Cần Đước

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng khả quan, đạt 9,41%. Chuyển dịch cơ cấu đúng theo hướng công nghiệp giữ vai trò đầu tàu, phát triển khá nhanh; thương mại, dịch vụ đổi mới, năng động trong xu thế hội nhập; nông nghiệp hướng vào chuỗi giá trị chất lượng cao và tăng trưởng bền vững. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu  đề ra đều đạt và vượt; đời sống nhân dân được nâng lên, bộ mặt địa phương có nhiều khởi sắc. Kết quả đó có được từ sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của hệ thống chính quyền các cấp trong tỉnh.

Thời gian qua, thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn, tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; UBND và các cơ quan nhà nước trong tỉnh  tập trung cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, đề cao tinh thần phụng sự, tận tụy trong công tác, ngày càng xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân. Một trong những nội dung cốt lõi để đổi mới, nâng chất hoạt động của UBND các cấp là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tin học hóa trong quản lý, điều hành, tác nghiệp, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử làm nền tảng vận hành bộ máy quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở.

Với tinh thần quyết liệt thực hiện hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong tỉnh; thời gian qua, tỉnh tập trung hiện thực hóa Kiến trúc Chính quyền điện tử, đến nay đạt một số kết quả: Hành lang pháp lý trong ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử dần được thiết lập; đầu tư máy tính cho 100% cán bộ, công chức (CBCC) sở, ngành, UBND cấp huyện và 85% CBCC cấp xã; nâng cấp hoàn thiện Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng tập trung từ tỉnh đến xã; xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; triển khai hội nghị truyền hình trực tuyến; 100% cơ quan nhà nước các cấp xử lý công việc trên môi trường mạng thông qua phần mềm quản lý văn bản, điều hành; triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong 100% cơ quan hành chính nhà nước; đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện theo mô hình hiện đại, triển khai đồng bộ phần mềm một cửa điện tử phục vụ giải quyết tốt hồ sơ trên môi trường mạng; cung cấp trên 900 dịch vụ công ở mức độ 3, 4;... góp phần rất quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. 

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt, có bước đột phá mạnh mẽ thực hiện đạt các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp"; thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới mục tiêu “Hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính quyền các cấp trong tỉnh”, cụ thể:

Một là, chính quyền các cấp tăng cường thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, người đứng đầu các cấp, các ngành chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và nêu gương tại cơ quan, đơn vị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp.

Hai là, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh (2.0); xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp cấp tỉnh (LGSP); xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh làm nền tảng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số. 

Ba là, thúc đẩy phát triển mạng viễn thông thế hệ mới (IPv6, 4G, 5G) trên phạm vi toàn tỉnh, triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan nhà nước, triển khai các giải pháp tái cấu trúc hạ tầng CNTT và truyền thông phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ mới. Xây dựng Trung tâm Xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm cấp tỉnh.

Việc xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử đóng vai trò quan trọng trong  phát triển Chính quyền điện tử, nhất là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng sâu và rộng

Việc xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử đóng vai trò quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử, nhất là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng sâu và rộng

Thứ tư, triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ việc xây dựng nền hành chính hiện đại với cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ứng dụng các giải pháp về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, trên nền tảng điện toán đám mây trong quản lý, điều hành và ra quyết định của chính quyền các cấp, từng bước tự động hóa, hướng tới mô hình quản trị thông minh. 

Năm là, triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và nhân lực phục vụ đảm bảo an toàn thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử. Xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn thông tin (SOC) của tỉnh.

Sáu là, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo trong các trường học, từng bước hình thành công dân điện tử. Đảm bảo nguồn ngân sách địa phương, tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, các nguồn tài trợ nước ngoài, huy động các nguồn lực khác để xây dựng chính quyền điện tử.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt, là năm cuối về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; năm có nhiều ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh; năm tổ chức đại hội Đảng từ tỉnh đến cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Yêu cầu thực hiện phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 là rất cao, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn, phát huy đầy đủ mọi nguồn lực phát triển, dấy lên phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Hơn bao giờ hết, việc “Hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính quyền các cấp trong tỉnh” phải được xem là một nhiệm vụ cấp thiết và thường xuyên trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị năm 2020./.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần 

Chia sẻ bài viết