Tiếng Việt | English

19/08/2016 - 15:35

Long An học tập kinh nghiệm xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Việc học tập kinh nghiệm về triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp cho tỉnh Long An thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả.

Ngày 19/8, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Long An và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đến Lâm Đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa tỉnh Long An và tỉnh Lâm Đồng

Chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Phạm S cho biết, tỉnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao hơn 10 năm với mục tiêu phát triển đối với rau, dâu tây, chè, bò sữa, bò thịt và các loại nông sản có thế mạnh khác.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 43.000 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao, chiếm 12,6% diện tích canh tác (rau 12.655,2 ha, hoa 2.424 ha, cây đặc sản 105 ha, chè 5.854 ha, cà phê 18.341 ha, lúa 3.705 ha). Tổng đàn bò sữa 15.720 con, trong đó, chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp khoảng 20%; diện tích nuôi cá 50 ha. Có 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất khoảng 30 triệu cây giống gốc invitro cung cấp cho trên 200 vườn ươm, sản xuất trên 2 tỷ cây giống thương phẩm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30%/giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng 25-30%, giúp tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu; tỷ trọng nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác năm 2015 là 145 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp công nghệ cao gấp 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh; rau chất lượng cao đạt 450-500 triệu đồng/ha, hoa chất lượng cao đạt từ 800-1200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nhiều mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 1-3 tỷ đồng/ha.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Cang phát biểu trong buổi làm việc

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 7 doanh nghiệp được Bộ NN & PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổng diện tích canh tác rau, hoa của các đơn vị là 263 ha; có 2 liên hiệp HTX và 100 HTX nông nghiệp, với 5.618 thành viên, trong đó có 31 HTX sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với diện tích 727 ha trên rau, hoa, chè, cà phê và quy mô 2.060 con bò sữa. Đến nay, có 763 trang trại, trong đó có 59 trang trại ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình liên kết có hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX như mô hình chăn nuôi bò sữa tại Đơn Dương, liên minh sản xuất cà phê tại Di Linh, Đức Trọng, liên minh sản xuất rau an toàn tại Đà Lạt,...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Cang cảm ơn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chia sẻ những kinh nghiệm từ việc xây dựng, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, công tác tổ chức sản xuất và điều hành hoạt động, các cơ chế, chính sách tỉnh triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… sẽ giúp cho tỉnh Long An thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả./.

Mai Dũng

Chia sẻ bài viết