Tiếng Việt | English

23/07/2019 - 15:36

Long An: Hội thảo cách tiếp cận mới về an toàn thực phẩm

Sáng 23/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Long An tổ chức Hội thảo cách tiếp cận mới về an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Long An - Nguyễn Minh Hải chia sẻ, hiện nay nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn cao

Phó Giám đốc Sở KH&CN Long An - Nguyễn Minh Hải chia sẻ, hiện nay, nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam còn cao. Trong các tác nhân gây mất an toàn, ngoài tác nhân không có chủ đích có các tác nhân do chủ ý nhằm gian lận thương mại hoặc phá hoại. Tác nhân có chủ đích hiện được quan tâm, nhất là trong bối cảnh diễn biến về an toàn, an ninh thực phẩm trên thế giới đang phức tạp.  

Đại biểu tham gia hội thảo

Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, tại Châu Âu, hàng năm, lượng thực phẩm giả được kiểm soát tại các quốc gia này khoảng 7%. Riêng tại Việt Nam, kết quả kiểm tra năm 2018, các cơ quan chức năng phát hiện 116.258 cơ sở kinh doanh vi phạm ATTP. Trên địa bàn tỉnh Long An phát hiện 306 cơ sở vi phạm, 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 38 người bị ngộ độc, 70/217 (số mẫu lấy phân tích, kiểm tra) mẫu thực phẩm không đạt chất lượng.

Thời gian qua, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, điển hình áp dụng các mô hình, công cụ nhằm giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nâng cao năng lực kiểm soát ATTP như HACCP, ISO 22000, VietGap, Global Gap,…

Tuy vậy, Việt Nam nói chung, Long An nói riêng đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trong đó lĩnh vực thực phẩm là một trong những lĩnh vực đi đầu. Do đó, việc kiểm soát ATTP nhằm bảo vệ người tiêu dùng, quyền lợi doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu quốc gia, địa phương đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng. Trong đó, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm ATTP một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Trong đó, có cả vấn đề về đổi mới, nâng cao nhận thức về ATTP theo cách tiếp cận mới, tư duy đổi mới của thế giới và khu vực liên quan đến vấn đề ATTP. Đó là việc áp dụng các công cụ phân tích rủi ro liên quan đến chống gian lận và phòng vệ thực phẩm bằng các công cụ quản lý mới như TACCP, VACCP.

TACCP, VACCP là công cụ quản lý có hệ thống rủi ro về ATTP như đánh giá mối đe dọa, nhận diện tính dễ tổn hại, thực hiện các biện pháp kiểm soát thực phẩm./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích