Tiếng Việt | English

25/05/2019 - 15:52

Long An kiến nghị điều chỉnh chồng chéo về quản lý cảng, bến thủy nội địa

Ngày 24/5, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An – Đinh Công Khanh cho biết vừa qua, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ủy quyền cho Sở GTVT Long An thực hiện quản lý Nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến đường thủy do Trung ương quản lý ở tỉnh.

Kênh Nước Mặn ngày càng có nhiều tàu thuyền, sà lan vận chuyển hàng hóa lưu thông

Kiến nghị nêu rõ, qua thời gian triển khai thực hiện Thông tư số 50/2014/TT – BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh cho thấy có những bất cập.

Cụ thể, theo Thông tư, Sở GTVT Long An chịu trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động cho các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh và giao cho Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT tổ chức kiểm tra, tham mưu cấp giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại các cảng, bến trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ tổ chức thu phí, lệ phí các phương tiện vào và rời cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy do Trung ương quản lý thuộc địa bàn tỉnh nên tỉnh Long An cho rằng chưa phù hợp, còn chồng chéo về công tác quản lý, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Từ những vấn đề trên, tỉnh Long An kiến nghị Bộ GTVT xem xét cho điều chỉnh nội dung Thông tư 50/2014 theo hướng ủy quyền cho Sở GTVT Long An thực hiện công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến đường thủy do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh.

Đó là các tuyến sông: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ, sông Cần Giuộc, kênh Tháp Mười số 1 và số 2, kênh Nước Mặn, kênh Thủ Thừa và giao Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 83/2015 của Bộ GTVT ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Đồng thời, bảo đảm luồng, tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh thông thoáng, không mất an toàn, trục vớt lục bình nhằm phục vụ cho phương tiện thủy lưu thông thông suốt.

Long An có 128 bến khách ngang sông

Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến đường sông lớn là Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, dài khoảng 330km do Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam quản lý, kết nối với các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều tuyến khác do Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam quản lý như sông Cần Giuộc, kênh Nước Mặn, kênh Tháp Mười số 1, kênh Thủ Thừa,…

Cùng với các tuyến đường thủy do Trung ương quản lý, tỉnh Long An trực tiếp quản lý 31 tuyến kênh rạch, dài khoảng 500km, chủ yếu ở các huyện Đồng Tháp Mười.

Theo thống kê của Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An, dọc bên hệ thống đường thủy do Trung ương quản lý có 303 bến bãi, trong khi đó, ở hệ thống đường thủy do tỉnh quản lý có 74 bến bãi. Những bến bãi này chủ yếu tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh nhiên liệu và xay xát.

"Cũng từ hệ thống sông nước chằng chịt bao quanh, trải dài, toàn tỉnh hiện có 128 bến khách ngang sông, trong đó có 2 bến phà lớn chở được ô tô là phà Tân Thanh, huyện Cần Giuộc (qua sông Cần Giuộc) và bến phà Long Cang, huyện Cần Đước (qua sông Vàm Cỏ Đông)", Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An – Đinh Công Khanh thông tin./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết