Tiếng Việt | English

30/06/2015 - 09:29

Long An: Lộ trình cho chương trình khuyến công

Thời gian qua, hoạt động khuyến công đã góp phần thiết thực phát triển kinh tế vùng nông thôn. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã kịp thời giải quyết khó khăn trong bối cảnh lạm phát, thắt chặt tiền tệ cũng như lãi suất cao, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để phát huy hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, UBND tỉnh đã có Quyết định về việc ban hành Chương trình khuyến công tỉnh Long An đến năm 2020.

 

Quan tâm phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động khuyến công Ảnh: Hữu Tuấn

Mục tiêu chung của Chương trình KC tỉnh đến năm 2020 là huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN-TTCN; nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới. Chương trình cũng khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh tham quan các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Theo đó, lộ trình dài hơi cho công tác KC đến năm 2020 có nguồn kinh phí trên 156 tỉ đồng; trong đó, ngân sách hỗ trợ trên 39 tỉ đồng (kinh phí KC quốc gia 28,6 tỉ đồng, kinh phí KC địa phương 10,5 tỉ đồng) và đóng góp của đơn vị thụ hưởng hơn 117 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện trong năm 2015 trên 21,2 tỉ đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 5,3 tỉ đồng (gồm: Kinh phí KC quốc gia 3,9 tỉ đồng; kinh phí KC địa phương 1,4 tỉ đồng; đóng góp của đơn vị thụ hưởng 15,9 tỉ đồng). Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện 135,2 tỉ đồng; trong đó, ngân sách hỗ trợ 33,8 tỉ đồng, gồm kinh phí KC quốc gia 24,7 tỉ đồng; kinh phí KC địa phương 9,1 tỉ đồng; đóng góp của đơn vị thụ hưởng 101,4 tỉ đồng.

Dự kiến từ nay đến năm 2020, chương trình truyền nghề cho 120 lao động theo yêu cầu của các cơ sở ngành thủ công mỹ nghệ; tổ chức 12 lớp tập huấn các chính sách về công tác KC và tiết kiệm năng lượng với khoảng 480 lượt học viên; tổ chức 6 đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm. Song song đó, trung tâm tiếp tục xây dựng 12 mô hình trình diễn kỹ thuật; nhân rộng 3 mô hình đang sản xuất có hiệu quả cao; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 42 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất. Số sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện 90 sản phẩm, cấp tỉnh 30 sản phẩm, cấp khu vực 15 sản phẩm. Tổ chức 2 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn (hội chợ triển lãm). Tham gia 3 hội chợ triển lãm; hỗ trợ 20 lượt cơ sở tham gia hội chợ triển lãm với khoảng 200 sản phẩm được trưng bày, giới thiệu. Hỗ trợ đánh giá nhanh cho 12 cơ sở; hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 12 cơ sở; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 2 cụm công nghiệp; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cho 3 cụm công nghiệp; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 3 cụm công nghiệp và 7 cơ sở công nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, hằng năm, trung tâm tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chức năng xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về tỉnh Long An trong ngành thủ công mỹ nghệ; khảo sát, điều tra và xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống;...

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Long An - Nguyễn Văn Bôn cho biết, để thực hiện mục tiêu dài hơi, Sở Công Thương đã chỉ đạo trung tâm phối hợp cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan, tạo hành lang pháp lý, giúp việc triển khai thuận lợi, hoạt động KC phù hợp với mục tiêu của chương trình. Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục kết hợp lồng ghép chương trình KC với các chương trình khác mở rộng nguồn lực, tạo sức hút mạnh mẽ hơn; áp dụng nhiều phương thức hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn và tổ chức, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ làm công tác KC./.

Thanh Tùng

 

Chia sẻ bài viết