Tiếng Việt | English

30/06/2016 - 10:00

Long An: Nâng cao giá trị nông nghiệp từ cánh đồng lớn

Để xây dựng và phát triển các cánh đồng lớn (CĐL) thuộc lĩnh vực trồng trọt, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, Long An triển khai kế hoạch xây dựng CĐL giai đoạn 2016-2020. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng để biết thêm hiệu quả CĐL trong thời gian qua và các bước triển khai trong thời gian tới.


Xây dựng cánh đồng lớn giai đoạn 2016-2020

PV: Xin ông cho biết hiệu quả việc xây dựng CĐL trong thời gian qua và những tồn tại, khó khăn cần khắc phục?

Ông Lê Văn Hoàng: Năm 2015, tỉnh phối hợp 20 doanh nghiệp triển khai thực hiện 63 lượt cánh đồng với diện tích 28.555,5ha, tăng 11.160,4ha so với năm 2014; tăng 8.555,5ha so kế hoạch (KH) năm 2015. 

Trong vụ Đông Xuân 2015-2016: Triển khai thực hiện 43 lượt cánh đồng với diện tích 15.446ha/KH 12.000ha, gồm 14 doanh nghiệp và 4.644 hộ tham gia. 

Tuy nhiên, các công ty (Cty) chỉ thu mua 10.972ha/diện tích thực hiện 15.446ha, diện tích còn lại 4.474ha, nông dân bán bên ngoài. Nguyên nhân: Do các hộ nông dân không tuân thủ hợp đồng với các Cty (Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Cty TNHH Thành Phát, Cty Lương thực thực phẩm Long An, Cty Lương thực Long An, Cty TNHH Thịnh Phát). Mặt khác, Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vận động nông dân bán ra ngoài khoảng 1.700ha do công suất kho chứa không đủ.

Nhìn chung, khi người dân tham gia sản xuất theo chương trình CĐL mang lại nhiều hiệu quả: Giúp nông dân giảm chi phí giống, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật; lợi nhuận của người dân trong CĐL cao hơn so với ngoài cánh đồng lớn từ 1,5-3 triệu đồng/ha; vật tư đầu vào được cung ứng kịp thời, chủ động, giá hợp lý, bảo đảm chất lượng và được tư vấn hướng dẫn sử dụng nên hiệu quả cao hơn, góp phần khắc phục tình trạng mua bán vật tư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức hiện nay là diện tích thực hiện CĐL chủ yếu trên cây lúa và tỷ lệ còn thấp so với diện tích gieo trồng của tỉnh (diện tích chiếm 6,2% diện tích lúa Đông Xuân và Hè Thu toàn tỉnh); liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập; liên kết ngang giữa nông dân và nông dân còn hạn chế; một số doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, lò sấy, công vận chuyển khi thu hoạch rộ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, thị trường không ổn định, giá cả chưa thống nhất,... nên gặp rất nhiều khó khăn.


Trong vụ Đông Xuân 2015-2016 tỉnh triển khai thực hiện 43 lượt cánh đồng lớn với diện tích 15.446ha

 

Kể từ năm 2017 đến năm 2020, căn cứ vào các phương án, dự án CĐL được phê duyệt làm căn cứ cho việc hỗ trợ từng đối tượng cụ thể. Tổng kinh phí hỗ trợ 213,225 tỉ đồng, bình quân 53,306 tỉ đồng/năm.

PV: Mục tiêu xây dựng CĐL giai đoạn 2016-2020 thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Hoàng: Mục tiêu xây dựng và phát triển các CĐL thuộc lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; có năng suất, bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh chọn 7 cây trồng để thực hiện xây dựng CĐL gồm: Lúa, mè, rau, bắp, đậu phộng, thanh long và chanh. Riêng cây lúa vẫn là cây chủ lực, mục tiêu năm 2016 sẽ thực hiện 28.100ha và phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 100.000ha, chiếm khoảng 1/4 tổng diện tích lúa Đông Xuân và lúa Hè Thu toàn tỉnh.

2016 là năm đầu triển khai cho các doanh nghiệp xây dựng phương án (dự án) CĐL trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở hỗ trợ kinh phí CĐL giai đoạn 2017-2020. Do đó, năm 2016, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 30% giống lúa xác nhận, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn nông dân ghi chép tình hình sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao và đặc sản theo hướng bền vững và hỗ trợ giống cây trồng với tổng kinh phí 6,304 tỉ đồng. Kể từ năm 2017 đến năm 2020, căn cứ vào các phương án, dự án CĐL được phê duyệt làm căn cứ cho việc hỗ trợ từng đối tượng cụ thể. Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2017-2020 là 213,225 tỉ đồng, bình quân 53,306 tỉ đồng/năm.


Năm 2016, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 30% giống lúa xác nhận, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật

PV: Thưa ông, trong thời gian tới, các bước triển khai kế hoạch xây dựng CĐL giai đoạn 2016-2020 như thế nào?

Ông Lê Văn Hoàng: Để triển khai kế hoạch xây dựng CĐL giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả, ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, triển khai, hướng dẫn thực hiện kế hoạch CĐL đến các huyện, thị xã, thành phố, các xã được lựa chọn. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể để phổ biến rộng rãi chủ trương xây dựng CĐL gắn với quy hoạch của tỉnh; tuyên truyền tính cần thiết và hiệu quả khi sản xuất nông nghiệp được tổ chức quản lý theo chuỗi giá trị, sản xuất theo mô hình liên kết sản xuất tại các CĐL gắn với tiêu thụ, chế biến; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016: Tuyên truyền, phổ biến cho nông dân nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng CĐL, lợi ích của việc tham gia vào CĐL; tăng cường mời gọi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo mô hình CĐL; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức đại diện hộ nông dân xây dựng, thực hiện các dự án, phương án CĐL. Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án hoặc phương án CĐL của các doanh nghiệp tham gia trên địa bàn tỉnh; ban hành chính sách ưu đãi, mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo, xây dựng CĐL trên địa bàn tỉnh Long An (giai đoạn 2016-2020); tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại các CĐL.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Phong - Đức Minh

 

Chia sẻ bài viết