Tiếng Việt | English

22/03/2017 - 12:09

Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm 2017 (đợt 1)

Long An sẵn sàng cho chiến dịch

Chiến dịch (CD) tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) năm 2017 (đợt 1) diễn ra từ giữa tháng 3-2017 đến ngày 30/4/2017. Hiện tại, tất cả địa phương trong tỉnh sẵn sàng cho CD, góp phần hoàn thành chỉ tiêu năm 2017.

Các trạm y tế xã bố trí đầy đủ nhân lực, vật lực thực hiện chiến dịch

Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các xã khó khăn, vùng có mức sinh cao, vùng có nhiều dân nhập cư, địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng trong năm 2016.

Trong CD năm 2016, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Thủ Thừa thực hiện tốt gói dịch vụ KHHGĐ với 558/544 ca của 7 xã điểm và 370/455 ca của 6 xã diện, nhiều nhất là đặt vòng tránh thai.

Trong gói dự án nâng cao chất lượng DS, thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn đến tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chiếm số lượng lớn với 118/124 lượt của 7 xã điểm và 66/66 lượt của 6 xã diện. Năm 2017, địa phương tiếp tục duy trì kết quả, khắc phục những chỉ tiêu đạt thấp trong CD năm 2016.

Theo Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Thủ Thừa - Nguyễn Thị Phương Tâm, CD nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tăng số người áp dụng các biện pháp tránh thai, giảm tỷ lệ sinh, tăng số thai phụ khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh cũng như tăng số cặp nam, nữ khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Cụ thể, CD sẽ được triển khai tại 13/13 xã, thị trấn trong huyện và Khu công nghiệp Long Hậu (xã Nhị Thành). Đến nay, Trung tâm Dân số-KHHGĐ phối hợp Trung tâm Y tế chuẩn bị điều kiện thiết yếu, thuốc, phương tiện, nguồn lực; cung cấp đầy đủ và bảo đảm an toàn các gói dịch vụ phòng, chống viêm nhiễm đường sinh dục, thực hiện KHHGĐ.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức, thực hiện CD.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa - Lê Thị Thu Hà thông tin, trước CD, Ban Chỉ đạo CD xã tổ chức thu thập, điều tra và lập danh sách đối tượng cần vận động, giao chỉ tiêu cụ thể cho các cộng tác viên phụ trách địa bàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động tại các ấp về tình hình thực hiện chỉ tiêu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và chuẩn bị điểm cung cấp dịch vụ; phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho đội lưu động của huyện thực hiện các gói dịch vụ SKSS/KHHGĐ.

Tại huyện Châu Thành, công tác chuẩn bị CD được hoàn thành. Ngoài tăng cường tuyên truyền, các trạm y tế trên địa bàn huyện bảo đảm trang bị đủ nhân lực, vật lực nhằm thực hiện CD đạt chỉ tiêu.

Theo Phó Trưởng trạm Y tế xã Hòa Phú, huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Bích Thủy, tại đây, phòng ốc, trang thiết bị trong suốt thời gian thực hiện CD được bảo đảm, góp phần thực hiện CD thuận lợi. Ngoài ra, các đối tượng đình sản, sau khi đặt dụng cụ tử cung cũng được tổ chức đưa đón chu đáo,...

Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Châu Thành - Phạm Văn Lý cho biết: Nếu năm 2016, Châu Thành có 10 xã được kinh phí cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện CD thì năm nay, tất cả 13 xã, thị trấn được hỗ trợ hoàn toàn từ kinh phí cấp tỉnh.

Bên cạnh khắc phục những hạn chế và duy trì các kết quả của CD đợt 1 năm 2016, Châu Thành tăng cường công tác truyền thông: Viết tin, bài tuyên truyền trên hệ thống loa, đài; treo băng-rôn tại các trục đường chính; vãng gia trực tiếp từng hộ gia đình hoặc tại các điểm khám.

Trong đó, các đối tượng cần tập trung vận động là những cặp vợ chồng trẻ có đủ số con, đặc biệt là có con một bề nhưng chưa thực hiện biện pháp tránh thai; ưu tiên cung cấp dịch vụ điều trị viêm nhiễm đường sinh dục cho phụ nữ có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng.

Bên cạnh kiểm tra, giám sát, ban chỉ đạo CD xã, thị trấn cũng thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, tổ chức họp rút kinh nghiệm hàng tuần để có biện pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Mục tiêu quan trọng nhất của CD không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ mà còn nâng cao nhận thức, hành vi của người dân.

Do đó, bên cạnh vai trò chính của ngành dân số, CD cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyên truyền, vận động, lực lượng cung cấp dịch vụ và các tầng lớp nhân dân nhằm làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các đối tượng trong thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ.

Chỉ tiêu chiến dịch cả năm 2017

Số người mới chấp nhận biện pháp tránh thai: 
Mỗi xã bảo đảm hoàn thành 50% chỉ tiêu kế hoạch năm về triệt sản, 60% về đặt dụng cụ tử cung, 60% về sử dụng thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai. 
95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản; nam, nữ chuẩn bị kết hôn được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ, kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Khám, điều trị phụ khoa và tầm soát ung thư đường sinh dục:
Khám phụ khoa: Số phụ nữ được khám phụ khoa 33.400 ca.
Khám tầm soát ung thư phụ khoa: 
- Thực hiện siêu âm cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn 10.020 ca.
- Quan sát cổ tử cung sau bôi acid acetic (Visual Inspection with acetic acid - Test VIA) 33.400 ca.
• Nâng cao chất lượng dân số
Bảo đảm hoàn thành 30% chỉ tiêu kế hoạch năm về sàng lọc trước sinh và tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Phạm Ngân-Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết