Tiếng Việt | English

10/10/2016 - 10:15

Long An tăng cường xử lý xe thô sơ 3, 4 bánh chở hàng hóa cồng kềnh

Sau một thời gian tỉnh triển khai chủ trương cấm xe ba gác, xe 3, 4 bánh thô sơ tự chế, đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, việc xử phạt, thu giữ xe loại này chưa triệt để vì nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân khó giải quyết nhất là vấn đề sinh kế của các hộ nghèo là chủ phương tiện.

Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Đường bộ Công an tỉnh - Đại tá Lê Văn Công cho biết: Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị tổ chức nhiều chuyên đề, nhiều đợt xử lý liên quan đến xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Theo đó, phòng xử lý, tịch thu 63 chiếc. Gần đây, CSGT kiểm tra, xử lý chủ của 20 phương tiện này; tiếp tục duy trì kiểm soát, xử lý quyết liệt chủ xe 3 bánh vi phạm.


Xe 3 bánh chở hàng cồng kềnh dễ gây tai nạn giao thông

Đa số những người điều khiển phương tiện trên khi bị kiểm tra đều cho biết, nhận thức được sự nguy hiểm khi chuyên chở những vật liệu cồng kềnh trên đường, nhưng vì mưu sinh nên “nhắm mắt làm liều”. Thực tế, nhiều người đang điều khiển phương tiện, khi phát hiện CSGT đã tìm cách quay đầu xe hoặc tấp vào lề đường rồi bỏ đi nơi khác, khiến lực lượng CSGT gặp không ít khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, phụ trách Thanh tra Giao thông - Đặng Hoàng Tuấn cho rằng: Thanh tra Giao thông chỉ xử phạt những trường hợp xe 3 gác chở quá tải. Còn lực lượng CSGT có chức năng kiểm tra phương tiện, giấy phép, chứng nhận đăng ký,... kể cả xử phạt vi phạm về Luật Giao thông Đường bộ. Tuy nhiên, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu lực lượng Thanh tra Giao thông và CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện xe ba gác không giấy phép, vi phạm các quy định về lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điểm Đ, khoản 3, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển xe môtô 2 bánh, xe môtô 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác và chở cồng kềnh.
Điểm A, khoản 4, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người ngồi trên xe môtô 2 bánh, xe môtô 3 bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được mang vác và chở vật cồng kềnh.

Để xử lý các loại xe trên, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On cho rằng, cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe 3, 4 bánh tự chế. Trong đó, cần tập trung vào khâu kiểm tra công tác thực hiện chuyển đổi nghề, thu hồi, xử lý phương tiện xe 3, 4 bánh không được phép hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Trương Hòa Bình vừa có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý hoạt động của xe thô sơ, xe môtô, xe cơ giới 3 bánh chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông./.

Điểm H, khoản 4, Điều 6, Nghị định 46 quy định: Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn, dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác gây tai nạn giao thông, tước giấy phép lái xe 2-4 tháng,...

Ngọc Lan

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích