Tiếng Việt | English

02/07/2020 - 08:52

Long An: Tập trung đóng cửa mỏ các hầm đất

Tỉnh Long An chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp địa phương tập trung đóng cửa mỏ các hầm đất đã khai thác xong theo kế hoạch, bảo đảm an toàn cho người dân sống trong khu vực.

Nguy cơ mất an toàn

Trước đây, theo chủ trương chung san lấp các cụm, tuyến dân cư vượt lũ nên đòi hỏi lượng đất phục vụ việc này tương đối lớn. Chính vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn khai thác đất để thực hiện. Khi kết thúc san lấp cũng đồng nghĩa với việc để lại rất nhiều hầm đất với diện tích hàng chục hécta, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân sống trong khu vực, nhất là trẻ em. Trong khi đó, công tác quản lý đóng cửa mỏ, rào chắn, cảnh báo,... còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số nơi, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm. Nhiều vụ tai nạn đuối nước đau lòng đã xảy ra tại các hầm đất. Đây là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Tỉnh triển khai đóng tất cả cửa mỏ các hầm đất khai thác xong trên địa bàn

Ông Trần Văn Hùng, ngụ xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, quan ngại: “Người dân lo lắng, quan tâm đến vấn đề an toàn tại các hầm đất trên địa bàn. Địa phương có nhiều hầm đất đã khai thác xong từ lâu, rộng hàng chục hécta nhưng việc đóng cửa mỏ, lắp biển cảnh báo, hàng rào chắn,... hầu như chưa có hoặc có thì cũng đã xuống cấp, bị mất. Chúng tôi tự cảnh báo nhau, nhắc các em nhỏ không đến gần hoặc bơi, tắm vì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp nhất thời, ngành chức năng, địa phương phải có giải pháp tốt, phù hợp hơn để người dân trong khu vực an tâm sinh sống”.

Thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Vĩnh Hưng, địa bàn có 85 hầm đất đã khai thác xong từ rất lâu, tổng diện tích 140ha, phân bố đều tại các địa phương của huyện. Các hầm đất này trước đây phục vụ khai thác đất làm cụm, tuyến, khu dân cư và hầu hết đều không được cấp phép, chưa bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn trong khi công tác quản lý còn hạn chế. Địa phương phối hợp ngành chức năng tổ chức chỉnh lý biến động đất đai, giao các cơ quan chuyên môn quản lý. Hiện nay, huyện tích cực phối hợp Sở TN&MT thực hiện rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hầm đất để tiến hành đóng cửa mỏ theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ phường 3, thị xã Kiến Tường, hầm đất ở đây giống như “cái bẫy” đối với người dân trong khu vực, nhất là trẻ em. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương có biện pháp, giải pháp để khắc phục, bảo đảm an toàn cho người dân sống trong khu vực, tránh xảy ra những tai nạn đau lòng.

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ cho biết: Trên địa bàn có 67 hầm đất đã khai thác xong, trong đó có 8 hầm đất khai thác có phép, 59 hầm khai thác không phép. Các hầm đất chủ yếu phục vụ công trình san lấp cụm, tuyến dân cư vượt lũ năm 2002-2003 theo chủ trương chung. Trong 59 hầm đất khai thác không phép, có 17 hầm khai thác là đất công và hiện do Nhà nước quản lý, 42 hầm khai thác trên đất của dân và thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân. Hiện 42 hầm này đã có quyết định thu hồi và giao cho UBND các xã, phường quản lý.

Một số địa phương trồng cây xanh, lắp biển cảnh báo để bảo đảm an toàn tại một số hầm đất (Ảnh chụp tại phường 3, thị xã Kiến Tường)

Trước đây, UBND thị xã đã hỗ trợ biển báo nguy hiểm cho các xã, phường để cắm xung quanh các hầm đất, tuy nhiên, hiện tại một số biển báo đã hư hỏng. Thị xã cũng trồng cây xanh xung quanh các hầm đất để che chắn, bảo vệ. Địa phương thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân không bơi lội, tắm giặt gần hầm khai thác đất; đồng thời trồng cây, làm hàng rào che chắn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực.

Các hầm đất chủ yếu phục vụ việc tưới, tiêu vào mùa khô, địa phương cũng kêu gọi đầu tư vào các hầm đất để tạo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, công tác này chưa thực hiện được do vướng các thủ tục theo quy định. Thị xã đã lập dự toán để tiến hành đóng cửa mỏ toàn bộ các hầm đất như cắm biển báo, làm hàng rào, trồng cây xanh,... theo chủ trương của UBND tỉnh. Địa phương kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện; đồng thời hướng dẫn để thực hiện các thủ tục liên quan trong việc kêu gọi đầu tư vào hầm đất để công tác quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phạm Tùng Chinh thông tin: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai đóng cửa mỏ các hầm đất khai thác xong trên địa bàn. Sở phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tập trung tổ chức thực hiện kế hoạch. Đến nay, cơ bản hoàn thành công tác phối hợp rà soát, thống kê, phân loại các hầm đất trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để thực hiện thủ tục chỉnh lý đất đai; kiểm tra hiện trạng hầm đất đang quản lý trên địa bàn; xây dựng kế hoạch vận động người sử dụng đất giao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trả lại đất cho Nhà nước quản lý theo quy định.

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch gặp một số khó khăn nhất định: Việc rà soát, thống kê, phân loại lại hầm đất theo kế hoạch của UBND tỉnh còn chậm, chưa sát với thời gian mà UBND tỉnh giao cho địa phương thực hiện, dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật để trả lại đất cho Nhà nước chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch chung của tỉnh về đóng cửa mỏ các hầm đất.

Các cơ quan chuyên môn tham mưu còn lúng túng, chưa phối hợp tốt trong tham mưu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chỉnh lý đất đai, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quyết định của UBND tỉnh. Nguồn kinh phí đóng cửa mỏ các hầm đất tương đối lớn nên việc bố trí nguồn kinh phí của địa phương gặp khó khăn.

Sở TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ UBND cấp huyện để đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ chuyên môn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đóng cửa mỏ hầm đất theo tiến độ của UBND tỉnh giao. Phát huy tích cực tổ công tác mà Sở đã thành lập để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo của UBND tỉnh. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Sở kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh xem xét, đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể trực thuộc phối hợp tham gia, thực hiện nhiệm vụ liên quan. Bên cạnh đó, UBND các huyện cần tập trung hơn nữa, kiểm tra, rà soát thực hiện các công việc liên quan đến kế hoạch đã triển khai để tổ chức hoàn thành theo đúng tinh thần chỉ đạo về đóng cửa mỏ các hầm đất của UBND tỉnh.

Đồng thời, các cơ quan truyền thông, thông tin trên địa bàn phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luật đất đai, môi trường, khoáng sản và pháp luật có liên quan để người sử dụng đất, cá nhân, tổ chức liên quan nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần cho cơ quan chuyên môn đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ theo kế hoạch của UBND tỉnh./.

Theo thống kê của ngành Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 629 hầm đất đã khai thác xong, tổng diện tích 1.036ha, tập trung tại 10 địa phương. Trong đó, có 98 hầm được cấp phép, 531 hầm không phép, đã thực hiện việc thu hồi và chỉnh lý đất đai hầm, đa phần là các hầm đất chưa có rào chắn.

 Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích