Tiếng Việt | English

01/09/2019 - 21:08

Long An trên đường đổi mới

Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 tại Long An mở ra trang sử mới cho tỉnh nhà. Phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, sự sáng tạo, đột phá trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Long An ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.

Quê hương đổi mới

Sau chiến tranh, Long An là một vùng đất hoang hóa. Một trong những điểm nổi bật về sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh sau năm 1975 là công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II đến lần thứ V đều tập trung cho Đồng Tháp Mười. Sự huy động, cùng vào cuộc của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân làm cho vùng Đồng Tháp Mười “thay da, đổi thịt”.

Từ một tỉnh thuần nông, hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa

Từ một tỉnh thuần nông, hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa

Trở về sau những năm tháng chiến tranh, thương binh Hồ Quốc Minh (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng) đau lòng khi nhìn thấy quê hương bị tàn phá nặng nề. Đất đai hoang hóa, nhiễm phèn nặng, đời sống khó khăn, giao thông hầu như chưa có gì,... Theo ông, nhờ chủ trương tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười cùng với việc mở đường 49 (Quốc lộ 62 ngày nay), vùng đất nhiễm phèn năm nào trở thành những cánh đồng trù phú, bạt ngàn, là vựa lúa của tỉnh và khu vực. Đặc biệt, từ chương trình ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những cánh đồng lúa trong quy hoạch được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đưa nông dân tiến gần với công nghệ, năng suất, sản lượng ngày càng tăng cao so với trước đây.

Trên bước đường đổi mới, Long An được biết đến là một trong ít địa phương đi đầu trong cải tiến công tác phân phối lưu thông, góp phần cùng cả nước xóa dần quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, góp phần ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Hệ thống giao thông được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm cho rằng, sau giải phóng, Long An gần như bắt đầu từ con số 0, đất đai ít, các dịch vụ, vui chơi đều không có,... Là địa phương giáp ranh TP.HCM nhưng tỉnh nhà có điểm xuất phát thấp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế nhưng sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Với những trăn trở, băn khoăn phải làm sao để tạo nên một bước ngoặt mới, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh, những người lãnh đạo thời kỳ đó mạnh dạn hoạch định chủ trương, đường lối để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Xuyên suốt từ nhiều năm qua, tỉnh huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và Cần Đước) được triển khai hiệu quả gắn với việc bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi, thông thoáng trong giao thương, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Phát triển toàn diện

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, ông Hồ Văn Thi, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, cảm thấy tự hào khi được sống trên mảnh đất “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ông chia sẻ: “Ngày nay, đường, điện, trường học, y tế được đầu tư. Mỹ Lộc được công nhận xã văn hóa - nông thôn mới và đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. “Quả ngọt” từ chương trình này giúp người dân hưởng lợi về các điều kiện sinh sống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng rau ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Người dân trồng rau ứng dụng công nghệ cao

Người dân trồng rau ứng dụng công nghệ cao

Nhờ những chủ trương đúng đắn, quyết sách sáng tạo, Long An ngày nay phát triển toàn diện. Bức tranh tổng thể về KT-XH mang nhiều màu sắc, hình thành nên những vùng kinh tế trọng điểm, khai thác được lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, nhất là việc hình thành nên những đô thị. Theo Sở Xây dựng, hiện nay, Long An có 18 đô thị, trong đó đô thị loại III TP.Tân An vừa đủ điều kiện công nhận đô thị loại II; Kiến Tường là thị xã năng động, phát triển, xứng tầm là trung tâm đô thị vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị loại III);...

Tính riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt 10,36% (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 9,4%), cao nhất trong 3 năm gần đây. Công nghiệp - xây dựng khẳng định vị thế chủ lực trong nền kinh tế của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,34 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân của cả nước. Hộ nghèo giảm còn 2,22%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 3 trên cả nước,... Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, tất cả lĩnh vực KT-XH, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đều chuyển biến tốt. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 9,89%, tuy thấp hơn mức cùng kỳ nhưng cao hơn so với kế hoạch năm 2019 (9,6%), đứng thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, cả 3 khu vực đều tăng trưởng khá. Tiến độ thu ngân sách khá tốt, đạt gần 70% dự toán năm, cao nhất trong giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng; mạng lưới trường lớp được đầu tư, mở rộng gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp các đơn vị theo Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào thực chất. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Chính sách người có công và chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có sự chuyển biến tích cực,...

Kinh tế ngày càng phát triển, tạo sức bật mới cho quê hương

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, trải qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, Long An ngày nay đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh,...

Công tác cải cách hành chính được xem là điểm sáng, thể hiện sự quyết liệt, đột phá của tỉnh qua cải cách tổ chức bộ máy. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được đầu tư khang trang, hiện đại, lịch sự, giải quyết thủ tục nhanh chóng; 15/15 trung tâm hành chính công cấp huyện, 192/192 bộ phận

Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đi vào hoạt động, thực hiện việc tiếp nhận đầu mối hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo sự thuận tiện, giảm chi phí, thời gian đi lại, phát huy hiệu quả rõ nét, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn,... Từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy KT-XH phát triển./.

Đến nay, Long An có trên 10.900 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 283,6 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 9.430 tỉ đồng.

301/612 trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, chiếm 49,18%; 121/192 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa, văn minh đô thị;...

Song Nhi

Chia sẻ bài viết