Tiếng Việt | English

29/06/2015 - 14:22

Long An: Vì sao đường hư, cầu sập khi mới đưa vào sử dụng?

Thời gian gần đây, một số công trình giao thông thực hiện theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí bị sập dù chỉ mới đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu chất lượng của những công trình tương tự có đảm bảo và trong thời gian tới, tình trạng này có tiếp tục xảy ra?

Đường sụp lún sau vài tháng, cầu sập sau 10 ngày sử dụng
Vừa qua, Báo Long An có phản ánh về tuyến đường bờ Bắc kênh 2.000, dài hơn 2km, thuộc ấp Hoàng Mai, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh được đầu tư nâng cấp, rải đá với kinh phí trên 1,3 tỉ đồng, nhưng vừa đưa vào sử dụng được hơn 3 tháng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Trong đó có những đoạn bị sụp lún làm bể đường ống dẫn nước, gây nhiều khó khăn cho người dân trong đi lại và sinh hoạt.

“Thời gian vui mừng vì có đường mới chẳng được bao lâu thì đường đã bị lún. Không biết thi công thế nào mà lại xuống cấp nhanh vậy? Đến nay, đã mấy tháng cũng chẳng thấy ai đứng ra duy tu, sửa chữa”, một người dân ở đây phàn nàn.

Hay nổi cộm gần đây nhất, Báo Long An có thông tin, cuối tháng 5-2015, cây cầu dây văng bắc qua kênh 28 ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, với tổng chiều dài gần 60m, được đầu tư gần 2,5 tỉ đồng cũng đã bị sập. Điều đáng nói, cây cầu này mới được khánh thành đưa vào sử dụng chỉ vỏn vẹn hơn 10 ngày, trong khi đó việc cầu bị sập chẳng phải do tác động của giông, bão hay quá tải.

Cầu Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng vừa đưa vào sử dụng hơn 10 ngày đã bị sập

Vì cầu sập nên hiện nay người dân phải quay lại đi phà như những năm trước. Theo nhiều người nhận định, có lẽ đây là một trong những cây cầu có tuổi thọ ngắn nhất từ trước đến nay. Dù đây là sự cố không ai mong muốn, nhưng với một cây cầu được thực hiện bài bản theo các quy trình từ thiết kế, thẩm tra, tổ chức đấu thầu, thi công nhưng lại bị sập ngay khi vừa đưa vào sử dụng chưa bao lâu thì dư luận không khỏi đặt ra những thắc mắc. Và thực tế, người dân có quyền thắc mắc và đặt ra những hoài nghi về chất lượng công trình.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải (GTVT), các ngành chức năng đang gấp rút tìm nguyên nhân cũng như xác minh năng lực của các đơn vị tham gia thi công nhằm giải đáp rõ thắc mắc của dư luận vì sao cầu bị sập. Nếu đơn vị nào trực tiếp liên quan đến nguyên nhân gây sập cầu, lún đường thì phải chịu trách nhiệm, đồng thời phải đầu tư xây dựng lại cầu mới để phục vụ nhân dân.

Thực tế cầu dây văng Vĩnh Bình bắc qua kênh 28 là do xã làm chủ đầu tư, nhưng đứng về góc độ quản lý nhà nước và trách nhiệm chính trị thì sự cố sập cầu này Sở cũng có phần trách nhiệm, lãnh đạo Sở GTVT cho biết thêm.

“Vì chất lượng, Sở sẽ can thiệp ở một mức độ, khâu nào đó”

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, ở lĩnh vực giao thông có rất nhiều công trình được thực hiện bởi phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cách làm này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển hệ thống giao thông của tỉnh, cũng như thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Với phân cấp hiện nay, những công trình giao thông ở địa bàn tỉnh có mức đầu tư trên 5 tỉ đồng, Sở GTVT sẽ thẩm định hồ sơ, còn dưới 5 tỉ đồng thì ủy quyền cho cấp huyện thẩm định.

Phần đất ở mố cầu Vĩnh Bình bị sạt lở

Tuy nhiên, trước việc sập cầu dây văng Vĩnh Bình, ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Để đảm bảo chất lượng các công trình giao thông dù là xã hay huyện làm chủ đầu tư thì thời gian tới, tôi sẽ kiến nghị Sở nghiên cứu tham gia, can thiệp ở mức độ nào đó, khâu nào đó trong quá trình từ triển khai đến thực hiện công trình để kịp thời có ý kiến, góp ý… Theo đó, chất lượng công trình luôn là một yêu cầu quan trọng hàng đầu. Nếu như đơn vị nào thực hiện không đảm bảo chất lượng, Sở sẽ loại trừ không cho đấu thầu các công trình tiếp theo trên địa bàn tỉnh”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chỉnh, hiện ở các công trình giao thông do Sở, hay huyện, xã làm chủ đầu tư đều có giám sát cộng đồng. Qua đánh giá chung, giám sát cộng đồng thường làm rất tốt ủy thác, gửi gắm của người dân vì đã phát huy được trách nhiệm, sự nhiệt tình.

Thời gian qua, rất nhiều công trình được thực hiện đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng thời gian nhờ có giám sát cộng đồng. Tuy nhiên, cái yếu của những người giám sát cộng đồng là thiếu kiến thức liên quan đến kỹ thuật xây dựng các công trình.

Vì thế, ngoài nâng cao trách nhiệm của giám sát cộng đồng, Sở cũng cần đề cao và quan tâm vai trò giám sát của bộ phận kiểm định các công trình.

Lê Đức – Kiên Định

 

Chia sẻ bài viết