Tiếng Việt | English

09/12/2016 - 16:16

Vương Hiền - Phượng Hiếu

Lòng say mê và nhiệt huyết với nghề

Nghệ sĩ Vương Hiền và Phượng Hiếu là đôi bạn đời - bạn nghề của nhau. Họ gắn bó với nhau trên 20 năm, cùng trải qua những thăng trầm trong nghiệp ca ngâm. Cả 2 có lòng say mê nghệ thuật cải lương và đầy nhiệt huyết với nghề, mặc dù trên con đường nghệ thuật khá gian nan vẫn chưa chạm đến cơ may để tạo nên tên tuổi như nhiều đồng nghiệp khác.

Gian nan không nản chí…

Vương Hiền tên thật là Trần Bá Chức, quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang. Anh say mê nghệ thuật cải lương từ lúc còn là học sinh phổ thông nhưng không có điều kiện tiếp cận nghệ thuật và học nghề. Lúc đó, Chức chỉ học ca theo đài phát thanh và băng đĩa là chính. Một số nghệ nhân và bạn bè đờn ca tài tử thấy Chức ca khá, có làn hơi dài nên rủ anh cùng tham gia mỗi khi có dịp.

Nhờ nghề dạy nghề, người trước rước người sau, giọng ca Chức ngày càng vững hơn. Sau đó, anh được bầu Đoàn Cải lương Xuân Lan (đoàn cải lương tư nhân nhỏ ở Long An) mời về cộng tác. Chức có vóc dáng đẹp, giọng ca tốt nhưng lại không biết diễn nên bầu đoàn chỉ cho anh hát kép ba. Cuộc sống và nghề không ổn định, năm 1993, Chức rời đoàn hát và lên TP.HCM để “tầm sư học nghề”.

Được thông tin Ban Ái hữu nghệ sĩ - 133 Cô Bắc (Hội Sân khấu thành phố) đang chiêu sinh khóa diễn viên cải lương (năm 1993), Chức đăng ký và được các bậc thầy về tài tử - cải lương như NSƯT Công Thành, NSƯT Thanh Vy, Hoàng Sa, nhạc sư Út Trong,... truyền dạy. Tốt nghiệp, anh được cấp giấy chứng nhận và có nghệ danh Vương Hiền.

Khi tay nghề tương đối vững chắc, Vương Hiền mong tìm được chỗ đứng và vai diễn vừa sức trên một sân khấu nào đó để ứng dụng những gì mà các thầy truyền dạy, được cống hiến lòng say mê và nhiệt huyết của mình cho nghiệp Tổ. Thế nhưng, con đường vào nghệ thuật chuyên nghiệp của anh lắm gian truân. Bởi vì lúc đó, cục diện sân khấu cải lương đang gặp khủng hoảng chung (1995), hàng loạt đoàn cải lương giải thể, các tỉnh co cụm lại chỉ còn một đoàn cải lương thuộc Nhà nước, tỉnh có, tỉnh không,... nên Vương Hiền cùng Phượng Hiếu học thêm nghề uốn tóc rồi ra nghề mở tiệm uốn tóc kiếm sống.

Dù vậy, Vương Hiền - Phượng Hiếu vẫn không thôi nhớ cải lương, anh chị thường xuyên ca diễn đây đó khi đồng nghiệp mời. Có lẽ, một trong những nơi biểu diễn tương đối ổn định từ nhiều năm nay của Vương Hiền - Phượng Hiếu là chương trình biểu diễn đờn ca tài tử - cải lương của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM

Những năm qua, khán giả gần xa còn biết đến Vương Hiền - Phượng Hiếu qua những bài vọng cổ, tân cổ giao duyên trên sóng phát thanh và truyền hình một số đài như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, HTV9,...

Phượng Hiếu – cô đào thanh sắc chưa có cơ hội

Phượng Hiếu tên thật là Nguyễn Thị Hiếu, sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, nhưng chỉ có một mình Hiếu là say mê cải lương. Có dạo, chị theo nghệ sĩ Hà Thủy (Đoàn Cải lương Bông Hồng Vàng) cho thỏa đam mê, ít nhiều chị học được ca diễn của những nghệ sĩ trong đoàn hát. Tại đây, Hiếu cũng được bầu đoàn cho thử sức vài vai đào con: Nghi Xuân trong vở Phạm Công - Cúc Hoa, Ngọc Nữ trong Tiên Đồng - Ngọc Nữ,...

Phượng Hiếu bén duyên với Vương Hiền khi cùng học khoa diễn viên cải lương do Ban Ái hữu nghệ sĩ tổ chức. Từ năm 1993 đến nay, Vương Hiền - Phượng Hiếu như đôi sơn ca liền cánh, song ca nhiều bài tân cổ giao duyên, vọng cổ, trích đoạn cải lương.

Ngoài những tiết mục ca chung Vương Hiền, Phượng Hiếu còn ca chung với cố NSƯT Út Bạch Lan bài Vọng cổ Mẹ vẫn đợi con về; đặc biệt, còn có bài vọng cổ Ru lại câu hò được xem là “bài ruột” của chị. Vai Kim Anh trong trích đoạn Đời cô Lựu ca diễn chung NSƯT Phượng Loan và Vương Hiền cũng là vai khá “nặng ký” của Phượng Hiếu. Chị vốn có làn hơi, chất giọng phong phú; đặc biệt, ca kiểu phát âm dài hàng chục ca từ không cần chỗ ngừng để lấy hơi ca, mà âm giọng vẫn rõ từng âm tiết trong mỗi ca từ.

Năm 2014, Vương Hiền - Phượng Hiếu khá đắt show. Anh chị còn dành thời gian để thực hiện 2 CD; 1 CD vọng cổ gồm 10 bài ca ngợi về tình phụ mẫu như Mùa báo hiếu, Tình mẫu tử thiêng liêng, Tìm cha ở đâu, Mừng thọ mẹ, Mẹ vẫn đợi con về,...; một CD trích đoạn Cải lương gồm 10 trích đoạn như Bạch Viên - Tôn Cát, Nửa đời hương phấn, Người tình trên chiến trận, Đưa em về quê mẹ,... Hai CD này được đầu tư khá kỹ, từ kỹ thuật âm thanh, âm nhạc, giọng ca cũng được chỉn chu, chuyên nghiệp, Vương Hiền - Phượng Hiếu ra mắt thính giả vào dịp Tết Ất Mùi 2015.

Năm 2016, ngoài cộng tác thường xuyên hàng tháng cho Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, họ còn biểu diễn phục vụ nhiều chuyến công tác từ thiện ở TP.HCM và nhiều tỉnh khác.

Khi hỏi về ước vọng, Vương Hiền - Phượng Hiếu cho biết không một chút đắn đo: “Dù show lớn hay nhỏ, thậm chí ca diễn phục vụ từ thiện không thù lao, chúng tôi vẫn ca diễn hết mình vì được phục vụ công chúng là thỏa mãn lắm rồi!...”./.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết