Tiếng Việt | English

18/04/2017 - 14:02

Long Thuận: Từng bước phát triển kinh tế - xã hội

Việc giữ vững xã văn hóa, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An ra sức thực hiện.


Đời sống người dân trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào sản xuất lúa nếp

Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận - Bùi Văn Khương chia sẻ: “Đời sống người dân trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 3.000ha sản xuất lúa nếp (sản xuất 2 vụ/năm). Nông dân còn chuyển đổi 6,5ha sang trồng chanh, thanh long (4ha), nấm bào ngư, dưa leo, khổ qua,... Ngoài ra, người dân còn chủ động chăn nuôi bò, dê,...”.

Long Thuận hình thành cánh đồng lớn với diện tích 537ha, có 261 hộ tham gia; hệ thống đê bao lửng được đầu tư phục vụ 2.610ha lúa nếp, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân an tâm sản xuất, nâng cao đời sống. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 28 triệu đồng/năm.

Ông Tạ Văn Út, người dân ấp 3, xã Long Thuận chia sẻ: Vụ Đông Xuân, người dân thu hoạch bình quân đạt 7,5 tấn/ha, lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha; vụ Hè Thu đạt 5,5 tấn/ha.

Đi đôi với xây dựng đê bao lửng phục vụ sản xuất, xã còn quan tâm đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng giao thông nông thôn. Toàn xã có 76km đường giao thông nông thôn, trong đó có 38km được rải đá xanh, 2km được bêtông hóa theo chuẩn nông thôn mới, còn lại là đường đất. 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ dân có điện sinh hoạt, trong đó 80% sử dụng điện an toàn.

Hệ thống trường học cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Xã có 2 trường tiểu học và mẫu giáo. Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường mẫu giáo phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2019. Xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, THCS và THPT.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với nước, chăm sóc sức khỏe cho người dân, chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường luôn được quan tâm thực hiện. Thông qua tuyên truyền, vận động, người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên từng bước xóa nhà vệ sinh tạm bợ trên sông, rạch.

Năm 2017, xã xây dựng thêm 9 công trình phúc lợi. Các công trình này đều được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước 80% kinh phí, nhân dân hiến đất và đóng góp kinh phí 20%), với tổng kinh phí dự toán trên 2,8 tỉ đồng, nhân dân đóng góp dự kiến trên 550 triệu đồng.

Xã tiếp tục vận động người dân thay trụ gỗ sử dụng điện bằng trụ bêtông; phấn đấu đến cuối năm 2017, có 98% hộ dân sử dụng điện an toàn. Xã phấn đấu giảm 3 hộ nghèo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 11,2%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 80%, duy trì xã văn hóa,...


Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân giảm chi phí trong thu hoạch lúa.

Phó Chủ tịch UBND xã - Bùi Văn Khương cho biết thêm: “Để đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, xã tập trung các biện pháp phát triển kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh các chỉ tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội,...”./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết