Tiếng Việt | English

18/04/2017 - 19:46

Luật An toàn vệ sinh lao động - Tất cả vì quyền lợi người lao động

Tai nạn lao động (TNLĐ) là điều không mong muốn trong quá trình lao động, sản xuất. Thế nhưng, tình trạng này còn xảy ra do nhiều nguyên nhân: Bất cẩn, trục trặc kỹ thuật, sai thao tác,... Người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động cần tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đồng thời, chủ động tìm hiểu về các điều kiện, quyền lợi được hưởng chế độ TNLĐ khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).


Luật An toàn vệ sinh lao động thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sức khỏe làm việc lâu dài cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động

Điểm mới của Luật An toàn vệ sinh lao động

Luật ATVSLĐ hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLĐ. Không phải bất kỳ tai nạn nào trong quá trình làm việc cũng là TNLĐ. TNLĐ được quy định tại khoản 8, Điều 3 của Luật ATVSLĐ số 84/2015/QH13, ngày 25/6/2015 là những tai nạn “gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

Trưởng phòng Tiếp nhận - Trả kết quả thủ tục hành chính, BHXH tỉnh Long An - Phan Huỳnh Cang thông tin: Trước đây, các vấn đề về TNLĐ được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012. Luật ATVSLĐ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật ATVSLĐ đầu tiên của Việt Nam, trên cơ sở cụ thể hóa một số điều về vấn đề ATVSLĐ của Bộ luật Lao động năm 2012 và kế thừa các quy định về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của Luật BHXH năm 2014. Luật có nhiều điểm quy định rất mới, có lợi hơn không chỉ cho NLĐ mà còn cho doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng lao động. Luật gồm 7 chương, 94 điều, trong đó có quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ, người sử dụng lao động và quản lý nhà nước liên quan đến công tác ATVSLĐ.

Thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ tại Luật ATVSLĐ có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, biên bản điều tra TNLĐ trong giải quyết hưởng chế độ TNLĐ được loại bỏ, đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc giải quyết chế độ TNLĐ đơn giản, nhanh gọn, giảm bớt trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thực hiện thẩm định hồ sơ, xét duyệt hưởng chế độ.

Bên cạnh đó, một trong những điểm nổi bật của Luật ATVSLĐ là quy định khi xảy ra TNLĐ trong doanh nghiệp, NLĐ và DN được quyền sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để điều trị TNLĐ theo quy định. Trước đây, khi chưa có Luật ATVSLĐ, khi xảy ra TNLĐ trong đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí cho NLĐ điều trị tại các cơ sở y tế cho đến khi thương tật cũng như sức khỏe của NLĐ thật sự ổn định, bình phục.

Như vậy, NLĐ bị TNLĐ vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm y tế, chế độ TNLĐ kịp thời, còn người sử dụng lao động cũng được giảm toàn bộ hoặc một phần chi phí điều trị cho NLĐ. Quy định này phù hợp tình hình thực tế và góp phần chia sẻ gánh nặng cùng người sử dụng lao động.


Luật An toàn vệ sinh lao động hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động

Quan tâm đến quyền lợi người lao động

Theo Chuyên viên Phòng Tiếp nhận - Trả kết quả thủ tục hành chính, BHXH tỉnh - Nguyễn Tiến Thái, về phạm vi điều chỉnh, Luật ATVSLĐ 2015 mở rộng đối tượng hưởng chế độ TNLĐ phù hợp với đối tượng đóng BHXH.

Cụ thể, Luật ATVSLĐ bổ sung đối tượng NLĐ làm việc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương và NLĐ làm việc không theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, quyền lợi của NLĐ cũng tăng nhiều hơn: Có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc ATVSLĐ tại nơi làm việc; được cung cấp đầy đủ thông tin về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được đóng bảo hiểm TNLĐ;...

Trong quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ tại Điều 45, Luật ATVSLĐ giữ nguyên 3 trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ TNLĐ nhưng bổ sung, diễn giải chi tiết và thực hiện luật hóa một số nội dung tại 2 trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc và trường hợp bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Theo đó, trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc bao gồm cả khi NLĐ đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động, nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép (nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh,...). Ngoài ra, NLĐ bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý cũng được xem là TNLĐ.

Anh Trần Tuấn Kiệt (ngụ thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ) cho biết: “Tôi đến BHXH tỉnh làm thủ tục giải quyết chế độ cho cha bị tai nạn giao thông trong quá trình công tác, gây chấn thương cột sống. Các thủ tục tại đây rất nhanh gọn, không mất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại nhiều lần. Luật ATVSLĐ có những quy định rất thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ, cải cách thủ tục hành chính. Từ đó, NLĐ bị TNLĐ cũng an tâm dưỡng sức và làm việc, không quá bận tâm về vấn đề chi phí khám, chữa bệnh”.

Luật ATVSLĐ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sức khỏe làm việc lâu dài cho NLĐ, cải thiện điều kiện lao động. Đồng thời, luật cũng hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLĐ, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và quản lý nhà nước liên quan đến công tác ATVSLĐ. Từ đó, giúp NLĐ an tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.

1. Năm 2016, BHXH tỉnh giải quyết chế độ cho 183 trường hợp (TH) bị TNLĐ. Với số tiền gần 3,7 tỉ đồng (trong đó có 144 TH hưởng trợ cấp TNLĐ 1 lần, 28 TH hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng và 11 TH chết do TNLĐ). Quí I-2017, với 42 TH bị TNLĐ, số tiền chi trả trên 1 tỉ đồng (trong đó có 32 TH hưởng trợ cấp TNLĐ 1 lần, 6 TH hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng và 4 TH chết do TNLĐ).

2. Khi NLĐ điều trị ổn định, có kết quả giám định y khoa, doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp BHXH tỉnh để hoàn thành các thủ tục giải quyết chế độ. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Các hồ sơ, thủ tục cần thiết để giải quyết chế độ TNLĐ tại BHXH tỉnh bao gồm:
- Sổ BHXH.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ của cơ quan, tổ chức (mẫu số 05A-HSB): 1 bản chính.
- Giấy ra viện (1 bản chính hoặc bản sao) sau khi điều trị thương tật TNLĐ ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc các loại giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú, mỗi loại 1 bản chính hoặc bản sao.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa: 1 bản chính.
* Điều kiện hưởng chế độ TNLĐ: Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
- Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc (khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động);
- Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
* Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
- Bị bệnh thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết