Tiếng Việt | English

16/02/2020 - 20:45

Lương Hòa, Lương Bình 'gồng mình' chống hạn, mặn

Hiện nay, độ mặn tăng cao trên sông Vàm Cỏ Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng trồng chanh của huyện Bến Lức, tỉnh Long An ước tính gần 6.000ha, tập trung ở các xã Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức, Thạnh Hòa và Thạnh Lợi. Phần lớn vùng trồng chanh đều lấy nước từ nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Trong đó, độ mặn đo được tại kênh Xáng Lớn và Xáng Nhỏ vào ngày 12/02 là trên 3g/l nên nông dân không thể bơm nước vào vườn chanh.

Nhiều kênh, rạch nội đồng đã cạn khô

Phó Chủ tịch UBND xã Lương Bình - Phùng Văn Út thông tin: Xã Lương Bình có trên 600ha chanh. Hiện, tình hình hạn, mặn xâm nhập rất nghiêm trọng, một số hộ được khuyến cáo từ trước đã trữ nước ngọt trên các kênh, rạch, ao nhà thì đỡ lo lắng. Tuy nhiên, phần lớn hộ còn lại đều bị ảnh hưởng do nước sông bị mặn không thể tưới cho cây chanh.

Những hộ chưa trữ nước đang gặp khó khăn vì độ mặn ngoài kênh nội đồng đã tăng cao; nước bốc hơi nhanh do thời tiết khô, hạn.

Để giải quyết khó khăn về nước tưới, UBND xã cho phép một số hộ trồng chanh gần giếng nước sinh hoạt tại các ấp thì mua nước máy giá 7.000 đồng/m3 để tưới tạm.

Theo UBND xã Lương Bình, trong thời gian tới, nếu trời không mưa và độ mặn trên các sông không giảm thì nguy cơ thiệt hại vườn chanh là rất cao.

Kênh Xáng Lớn nối sông Vàm Cỏ Đông có độ mặn khá cao

Tại xã Lương Hòa, nhiều nông dân trồng chanh cặp kênh Xáng Lớn khá lo lắng bởi đa số các kênh nội đồng nối với kênh Xáng Lớn đều không có cống ngăn mặn.

Anh Huỳnh Minh Thanh, ngụ ấp 7, xã Lương Hòa trồng 5.000m2 chanh không hạt, cho biết: “Theo thông báo của UBND xã, độ mặn đã tăng nên tôi không lấy nước từ sông để tưới chanh. Trước đó, thực hiện theo khuyến cáo, tôi cũng trữ nước tại rạch nhỏ trong vườn, nhưng hiện chỉ "cầm cự" đáp ứng nhu cầu tưới trong gần 1 tháng vì nước trong rạch nhanh khô cạn và cũng vẫn bị mặn xâm nhập”.

Giữ cỏ quanh gốc chanh là một trong những biện pháp phòng, chống hạn, mặn hiệu quả

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, ấp 7, xã Lương Hòa, hiện trồng 50ha chanh không hạt và chanh bông tím. Do chuẩn bị đối phó với hạn, mặn từ trước nên HTX dùng thảm cỏ trồng dưới gốc chanh để đối phó với hạn, mặn xâm nhập; đồng thời, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nên chống chọi hiệu quả với tình hình hiện nay. Ngoài ra, HTX còn áp dụng mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, cây dễ hấp thụ. 

Giám đốc HTX - Trần Duy Thuận chia sẻ: “Thời gian tới, HTX sẽ chia sẻ phương pháp giữ cỏ quanh gốc chanh cho những nông dân muốn áp dụng nhằm đối phó với tình hình hạn, mặn ngày càng khốc liệt”. 

Quy hoạch vườn chanh áp dụng mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, cây dễ hấp thụ

Còn ông Bùi Văn Thắng, ngụ xã Lương Hòa, trồng 1ha chanh cũng trữ nước ngọt nhưng không đủ dùng, ông buộc phải mua nước máy từ giếng nước trong ấp. Ước tính 400 gốc chanh của ông mỗi gốc cần 20 lít nước, trong 3 ngày ông phải tưới 1 lần và 10 ngày phun thuốc 1 lần.

Ông Lưu Khánh Cường, ngụ xã Lương Hòa, trồng 3ha chanh, ước tính tiết kiệm nhất thì 10 ngày ông mới tưới 1 lần, ông phải mua khoảng 30m3 nước/lần tưới với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/m3.  

Số tiền mà các nông dân phải mua nước tưới chanh là không nhỏ trong khi giá chanh chỉ còn từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Biện pháp trữ nước ngọt trong vườn

Một số hộ nông dân vẫn áp dụng biện pháp canh tác cũ là diệt cỏ xung quanh gốc cây thì cây chanh có nguy cơ suy kiệt do khô hạn. Một số vườn chanh có lá chuyển sang màu vàng vì thiếu nước. Nước được trữ trong các kênh, rạch nội đồng cũng đang khô hạn và bốc hơi rất nhanh do nắng nóng.

Được biết, các giếng nước tại xã Lương Hòa, Lương Bình là giếng cung cấp nước sinh hoạt có sản lượng thấp. Trung bình chỉ lọc từ 70 - 100m3/ngày dùng cho sinh hoạt, hiện chỉ có thể dành khoảng 1/3 sản lượng để tưới chanh. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Nông dân trồng chanh lo lắng vì hạn, mặn

Theo thông báo của Chi cục Phát triển nông thôn - Thủy lợi Long An, dự kiến tình hình hạn, mặn xâm nhập có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, mặn sẽ xâm nhập sâu và độ mặn cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2016, thiệt hại do hạn, mặn tại mỗi hecta chanh ở xã Lương Hòa, Lương Bình ước tính từ 150 - 180 triệu đồng.

UBND huyện Bến Lức đang tăng cường biện pháp phòng, chống hạn, mặn; chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp chính quyền địa phương chú trọng hướng dẫn nông dân biện pháp đối phó hạn, mặn; thường xuyên cập nhật tình hình độ mặn, thủy lợi cho nông dân nắm bắt./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết