Tiếng Việt | English

25/03/2017 - 12:39

Lưu giữ nghề truyền thống

Ở ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mới biết, hầu như người nào cũng biết đan lát, mây, tre thủ công. Đan lát được bao thế hệ người dân ấp Bến Long truyền lại cho con cháu mình để kiếm kế sinh nhai cũng như lưu giữ một nghề truyền thống của quê hương. Năm 2016, nghề đan lát ở ấp Bến Long được Sở Công Thương công nhận làng nghề truyền thống.

Đan lát, mây, tre góp phần giữ nghề truyền thống

Không ai rõ nghề đan lát, mây, tre xuất hiện tại ấp Bến Long từ khi nào, những người lớn tuổi nói, họ chỉ nhớ ông bà truyền nghề lại cho cha mẹ rồi cha mẹ truyền lại cho họ. Cứ thế, nghề đan lát được truyền từ đời này sang đời khác cho đến hôm nay.

Dù gần 80 tuổi nhưng những lúc rảnh rỗi, bà Trần Thị Lựu lại đan những sản phẩm từ lát, mây, tre. Bà Lựu cho biết: “Tôi biết đan từ hồi 12 tuổi đến năm 15 tuổi đã rành nghề. Ba mẹ truyền nghề lại cho tôi. Giờ tôi cũng truyền lại để con cháu biết giữ lấy nghề truyền thống”.

Hiện nay, ở ấp Bến Long, vào những lúc nông nhàn hay khi rảnh rỗi, nhiều phụ nữ tập hợp lại đan rổ, nia,... hoặc hướng dẫn con em mình đan những sản phẩm từ cây tre, trúc. Nhiều trẻ em mới 7-8 tuổi cũng có thể đan được những sản phẩm đơn giản. Đan lát đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Khâu chẻ nan được xem là quan trọng nhất, nan chẻ phải mỏng và đều, khi đan sản phẩm sẽ nhanh và đẹp hơn.

Chị Nguyễn Thị Phượng, ở ấp Bến Long chia sẻ: “Đan sản phẩm từ tre, trúc cũng không quá khó, quen tay sẽ làm nhanh, không tốn nhiều thời gian, có thể tận dụng những lúc rảnh để kiếm thêm thu nhập. Hầu hết phụ nữ nơi đây ai cũng biết đan”.

Từng đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ ấp Bến Long làm nên những chiếc rổ, nia, thúng, tràng,... Các sản phẩm này đều được bà Huỳnh Thị Gái thu mua tại chỗ, tạo điều kiện cho chị em có thêm thu nhập và không lo đầu ra.

Nhằm giúp phụ nữ ấp Bến Long phát triển làng nghề truyền thống, thời gian qua, Chi hội Phụ nữ ấp tổ chức nhiều hoạt động vận động hỗ trợ vốn cho chị em. Nhờ đó, số hội viên tham gia tổ đan lát ngày càng nhiều. Hàng năm, tổ giúp 1-2 hội viên thoát nghèo.

Nghề đan lát, mây, tre tại ấp Bến Long, xã Tân Mỹ đã và đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống. Những sản phẩm gần gũi, bình dị từ lát, mây, tre, trúc tạo nên thương hiệu cho một làng nghề truyền thống. Tin rằng, làng nghề này sẽ được gìn giữ và tiếp tục lưu truyền cho mai sau./.

Nhã Phương

Chia sẻ bài viết