Tiếng Việt | English

23/08/2016 - 10:33

Mãi còn đó mùa thu này

Lịch sử ngày Nam bộ kháng chiến đến nay đã 71 năm (23/9/1945 - 23/9/2016), nhưng cứ mỗi khi nghe lại bài ca "Nam bộ kháng chiến" của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến đến trận tiền...” lại nhớ về những ngày kháng chiến gian khổ.


Di tích Tổng thận - nơi ghi dấu mùa thu tháng 8 trên quê hương Long An

Dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Tây trên địa bàn thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An còn nguyên tác khẩu súng thần công mà quân và dân Mộc Hóa-Kiến Tường (lúc đó gồm 5 huyện vùng Đồng Tháp Mười) đã bắn đoàn tàu chiến của Pháp trong những ngày cùng cả nước sục sôi Nam bộ kháng chiến với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Tô Kường, ở khu phố 6, thị xã Kiến Tường trong những ngày tháng 8. Ông nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 8, nguyên Chủ tịch MTTQ thị trấn Mộc Hóa. Trước nhà ông có tượng đài bằng đồng đen hình ảnh 2 chiến sĩ Vệ quốc đoàn trẻ trung, hiên ngang giương cao cờ đỏ sao vàng bên khẩu súng thần công. Hình thành tượng đài đó, ông phải mất 3 năm sưu tầm tư liệu, 4 năm suy nghĩ thiết kế và 6 tháng trời xây dựng. Những tư liệu lịch sử về Nam bộ kháng chiến trên quê hương Mộc Hóa-Kiến Tường được ông đóng lại thành tập và lưu giữ cẩn thận.

Năm 1945, thực dân Pháp đánh chiếm thị xã Tân An và mở rộng địa bàn kiểm soát ở vùng Đồng Tháp Mười. Khu 8 do đồng chí Trần Văn Trà làm Khu Bộ trưởng đóng tại Bắc Chang, xã Tuyên Thạnh, Mộc Hóa. Chi đội 14 được thành lập với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Lê Văn Tạo chỉ huy được trang bị 1 khẩu súng đại liên, 1 khẩu trung liên với 25 viên đạn cùng một số súng trường, tiểu liên, mã tấu, đặc biệt nhất là khẩu thần công. Địch dùng máy bay ném bom bắn phá Mộc Hóa, trinh sát dọ thám dọc sông Vàm Cỏ Tây, Chi đội 14 nhận nhiệm vụ phục kích đánh địch hướng chính - hướng sông Vàm Cỏ Tây. Với ý chí quyết tâm cao, đơn vị phát huy tốt hỏa lực của các loại súng, nhất là hỏa lực của khẩu thần công đặt trên gốc cây sát mé sông bắn đoàn tàu chiến của địch. Đó là tiếng súng đầu tiên của quân vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày tháng lịch sử Nam bộ kháng chiến.


Gốc khế - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn

Trong sự phát triển của một vùng quê Đức Hòa Thượng vẫn còn đó hào khí âm vang Cách mạng Tháng Tám. Gốc khế, hầm bí mật địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Chợ Lớn do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư đã tạc vào lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Và trong trí nhớ của những cựu cách mạng lão thành, cựu chiến binh, những người cao tuổi in nguyên ngày 25/8/1945, sau khi Tân An khởi nghĩa thành công, cả xã Đức Hòa Thượng nói riêng và huyện Đức Hòa nói chung sôi sục đứng lên cướp chính quyền, góp phần cùng cả nước làm nên mùa thu tháng 8 rực rỡ.

Trong ký ức của ông Huỳnh Văn Hai, ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa - cựu thanh niên tiền phong, khí thế Cách mạng Tháng Tám vẫn nguyên vẹn dù trải qua mấy mươi năm, dẫu tuổi cao, sức yếu. Qua chuyện kể của ông đã đưa chúng tôi trở về mùa thu tháng 8 ngày ấy. Trước diễn biến hết sức khẩn trương, Chi bộ xã phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền, hòa cùng hàng vạn nhân dân các xã trong huyện, quân, dân xã Đức Hòa Thượng hàng ngũ chỉnh tề, rừng cờ và biểu ngữ kéo về sân vận động dự lễ ra mắt chính quyền cách mạng.

Các lực lượng: Thanh niên tiền phong, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, phụ lão cứu quốc, nông dân cứu quốc kết hợp nhân dân các xã khác trong huyện kéo lên dinh quận cùng giáo mác, gậy gộc, tầm vông, băng rôn, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu “Việt Nam độc lập Đồng minh”, “Đả đảo Pháp - Nhật”, “Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm”, buộc quận trưởng phải đầu hàng, bàn giao toàn bộ hồ sơ, sổ sách và vũ khí, đạn dược cho chính quyền cách mạng.

Tiếp đó, nhân dân xã lại về Sài Gòn dự míttinh chào mừng ngày độc lập. Hào khí của Cách mạng Tháng Tám, những chiến công oanh liệt của quân và dân Đức Hòa Thượng qua 2 cuộc kháng chiến minh chứng sự kiên cường, dũng cảm của đất và người nơi đây. Và truyền thống ấy là nền tảng vững chắc phát huy trên trận tuyến mới - trận tuyến xây dựng quê hương phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh.

Tháng 8 về xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, đi trên những cánh đồng lúa, những ao tôm bạt ngàn, chúng tôi được nghe những chuyện kể về Nhựt Ninh ngày ấy và bây giờ từ những cựu du kích của địa phương. Trong 2 cuộc kháng chiến, địch tập trung càn quét vào Nhựt Ninh nhưng không làm sau bình định được Nhựt Ninh. Hàng ngàn tấn bom, chất hóa học dội xuống Nhựt Ninh, hủy diệt khu căn cứ “đám lá tối trời” nhưng phong trào cách mạng vẫn giữ vững.

Bất chấp mọi nguy hiểm, hy sinh, du kích, bộ đội và nhân dân Nhựt Ninh vẫn chiến đấu anh dũng, các đường thông tin liên lạc, binh vận, tiếp tế lương thực, thuốc men luôn thông suốt. Máy bay, tàu chiến cùng bộ binh của địch càn quét liên tục vào Nhựt Ninh mà trọng điểm là căn cứ "đám lá tối trời". Nhiều đồng chí của ta hy sinh, máu nhuộm đỏ cả con rạch. Tình hình khốc liệt là vậy nhưng nhân dân vẫn bám trụ, nhiều căn hầm bí mật, nhiều cơ sở cách mạng được hình thành và nhiều cuộc biểu tình đấu tranh diễn ra.

Song song với đấu tranh chính trị, lực lượng ta tiến hành trừng trị các tên ác ôn gây hoang mang và tác động lớn đến tinh thần bọn tề xã, ấp và binh lính ngụy quyền ở Nhựt Ninh. Với quyết tâm cao, nhân dân che chở, bộ đội ta xây dựng nhiều căn cứ cách mạng ở khu đám lá tối trời. Nhiều cuộc càn quét của địch bị thất bại. Ta dần dần mở rộng vùng kiểm soát. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhựt Ninh có chi bộ Đảng. Có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng ngày một lớn mạnh.

Ông Mai Bá Văn - một lão thành cách mạng khẳng định, từ sự thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám góp phần làm nên lịch sử: Tình hình vô cùng ác liệt, bộ đội, du kích và nhân dân bám trụ bám làng, giữ từng tấc đất; ban ngày hoạt động trong hầm bí mật, ban đêm đánh đồn. Và phong trào ngày càng lớn mạnh từ khi Cách mạng Tháng tám thành công. Niềm vui lớn của những cựu du kích chúng tôi và nhân dân Nhựt Ninh hôm nay là sự đổi thay của quê hương.

Đến nhà Tổng Thận vào một buổi sáng mùa thu tháng 8, bên cạnh nét cổ kính, hiền hòa, ta có những cảm xúc bồi hồi như đang được dạo bước qua từng “nấc thang” lịch sử. Chính quyền lâm thời trưng dụng nhà Tổng Thận và hoạt động công khai. Phiên họp đầu tiên vào chiều tối 22/8/1945 cũng diễn ra tại đây. Tại hội nghị này, Tỉnh ủy lâm thời biểu quyết bổ sung, phân nhiệm về nhân sự Đảng và chính quyền. Sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ bắt tay vào làm việc ngay ngày 2/9/1945.

Nửa đầu tháng 9/1945, hội nghị lần 2 diễn ra tại đây nhằm hợp nhất các quận ủy, trả tự do cho phần lớn công chức chế độ cũ. Cuối tháng 9/1945, hội nghị lần thứ 3 được tổ chức để chuyển hướng nhiệm vụ chiến lược từ xây dựng chính quyền sang củng cố, bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa tỉnh - Nguyễn Văn Thiện, nhà Tổng Thận trong thời gian được Tỉnh ủy Tân An chọn làm trụ sở làm việc ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Long An. Nơi đây chứng kiến nhiều cuộc họp quan trọng đề ra những chủ trương chỉ đạo kịp thời, nhằm củng cố và bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ.

71 năm trôi qua, tinh thần chiến đấu quật cường của ngày Nam bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử, là động lực to lớn cổ vũ nhân dân miền Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung tiếp tục công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, góp phần tô thắm danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng. Ngày ấy, quân và dân Long An góp phần làm nên diện mạo lịch sử vẻ vang ấy và hôm nay đang trên đường phát triển./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết