Tiếng Việt | English

23/07/2020 - 09:00

Mai vàng Tân Tây

Những năm gần đây, người dân xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chuyển diện tích trồng tràm, lúa sang trồng mai ngày càng nhiều. Nơi đây dần trở thành vùng đất của mai vàng được nhiều người biết đến.

Cây mai trên địa bàn xã Tân Tây phù hợp với vùng đất, phát triển tốt, ít sâu, bệnh và có đầu ra ổn định

Cây mai trên địa bàn xã Tân Tây phù hợp với vùng đất, phát triển tốt, ít sâu, bệnh và có đầu ra ổn định

Nghề trồng mai vàng để bán ở địa bàn xã xuất phát từ 1 hộ dân chuyển đổi từ đất trồng tràm sang trồng mai vàng từ năm 2003 với khoảng 500 cây. Sau gần 5 năm chăm sóc, hộ dân này bán mai với giá 480 triệu đồng. Nhận thấy cây mai phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh, có đầu ra ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng. Hiện xã có 257 hộ dân trồng, chiếm trên 21% tổng số hộ trong xã, với tổng diện tíchgần 184ha.

Năm 2018, xã hình thành Tổ hợp tác (THT) trồng mai vàng tại ấp 4 với 30 thành viên tham gia. THT cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân có nhu cầu. Có thể thấy, việc chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ, lẻ theo hướng kinh tế tập thể từ mô hình THT trồng mai vàng Tân Tây là hướng đi đúng. Đến nay, THT có 34 thành viên.

Tổ phó THT trồng mai vàng Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Các thành viên THT thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Theo tính toán, người trồng mai có thu nhập cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Mong rằng, Nhà nước hỗ trợ vốn cho những hộ dân muốn mở rộng diện tích; đồng thời nâng cấp, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện để người dân thuận lợi trong vận chuyển và tưới tiêu”.

Được biết, trong các loại mai, mai vàng được người dân chọn trồng phổ biến nhất do không kén chọn đất. Màu hoa vàng theo truyền thống của người Việt Nam là màu phú quý, có ý nghĩa mang đến nhiều tài lộc, may mắn và thịnh vượng nên được người dân ưa chuộng trưng bày trong dịp tết. Hiện ông Hoàng trồng 4.000 gốc mai (1,7ha), trong đó có trên 1.500 gốc độ tuổi từ 2-3 năm, diện tích còn lại trên 1 năm tuổi. Gia đình ông thu hoạch trên 0,1ha đất trồng thí điểm (3,5 năm tuổi) với lợi nhuận 500 triệu đồng.

Đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu chơi mai, thưởng mai ngày càng lớn. Hiểu được nhu cầu của thị trường nên gia đình anh Võ Văn Chùm (ấp 3, xã Tân Tây) chuyển trên 1ha đất trồng cây xanh sang trồng mai vàng (khoảng 1.000 gốc). Từ khi chuyển sang trồng mai vàng, thu nhập của gia đình anh tăng nhiều hơn so với trước. Diện tích mai vàng của anh hiện có độ tuổi từ 2-8 năm. Thời gian qua, anh bán trên 100 gốc (độ tuổi 6 năm) với giá gần 1 tỉ đồng. Anh Võ Văn Chùm chia sẻ: “Điều quan trọng và khó khăn nhất là tạo dáng cây, giúp mai nở hoa đúng kỳ, hoa đều và màu đẹp. Tôi không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước trong việc chăm sóc, uốn tỉa cành và tạo dáng cho cây. Mong rằng, làng mai Tân Tây sớm có thương hiệu và phát triển bền vững”.

Hội đồng xét công nhận làng nghề trồng mai vàng Tân Tây đến khảo sát thực tế tại các hộ dân

Hội đồng xét công nhận làng nghề trồng mai vàng Tân Tây đến khảo sát thực tế tại các hộ dân

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn, thời gian tới, dự kiến diện tích trồng mai trên địa bàn sẽ tăng thêm khoảng từ 50-70ha. Vừa qua, Hội đồng xét công nhận làng nghề trồng mai vàng Tân Tây đến khảo sát thực tế và đã bỏ phiếu thống nhất đủ điều kiện thành lập làng nghề. Hội đồng đã trình UBND tỉnh công nhận làng nghề này trong thời gian tới.

Khi được công nhận sẽ tạo điều kiện để làng nghề mai vàng ở Tân Tây phát triển về thương hiệu, quy mô sản xuất, dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Qua đó, giúp người dân có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng sung túc và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết